4 điều thị trường cần ở Barista

Submitted by hiroshi.digital On Thursday, 09/22/22 - 5:17pm

Sau gần 3 năm chững lại vì Covid-19, ngành dịch vụ trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang phục hồi phát triển mạnh mẽ hơn bởi nhu cầu đi lại, làm việc, tận hưởng của mọi người sau quãng thời gian dài giãn cách xã hội là rất cao. Vì lẽ đó mà cơ hội việc làm dành cho người lao động trong ngành dịch vụ đang rộng mở hơn bao giờ hết, nhất là nhu cầu đối với barista khi mà cà phê đang trở thành xu hướng ở khắp mọi nơi và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Không tính những quán cà phê nhỏ lẻ, trong báo cáo mới nhất của Q&Me cho thấy Việt Nam hiện đang có 1524 quán cà phê thuộc chuỗi. Cà phê cũng là sản phẩm có tốc độ tăng trưởng cao nhất và là sự lựa chọn hàng đầu của giới trẻ ngày nay. 

Việt Nam đang có rất nhiều quán cà phê thuộc chuỗi, chưa kể đến những quán cà phê cóc và quán kinh doanh độc lập

Song song với nhu cầu nhân sự cao, các quán cà phê còn có nhiều yêu cầu không hề thấp đối với vị trí barista. Về phía bản thân những barista, các bạn đang đứng trước rất nhiều cơ hội nghề nghiệp. Nhưng làm sao để không lãng phí xu hướng, thị trường đang đòi hỏi gì ở một barista? Barista School sẽ mang đến lời giải cho bạn trong bài viết hôm nay.

Kiến thức và kỹ năng chuyên môn

Cà phê ở Việt Nam là một nền văn hóa đặc sắc và nhận được sự công nhận từ quốc tế. Ngày nay nhu cầu của khách hàng đã chuyển hóa và nâng cấp lên rất nhiều. Làn sóng cà phê thứ 3 đã bùng nổ từ lâu, một đất nước có thị trường xuất khẩu cà phê top đầu thế giới như Việt Nam cũng không nằm ngoài làn sóng ấy. Sơ chế, bảo quản và pha chế các món thức uống cà phê, nhất là với cà phê đặc sản đòi hỏi các barista phải có đủ kiến thức chuyên về cà phê mới có thể làm tốt và cho ra thức uống chất lượng nhất.

Barista phải có đủ kiến thức chuyên môn về cà phê mới có thể cho ra thức uống chất lượng nhất và giải đáp những thắc mắc khi khách hàng cần

Các chuỗi thương hiệu lớn luôn cần những barista có đầy đủ kiến thức và kỹ năng chuyên môn, am hiểu sâu sắc về cà phê để giúp họ có thể vận hành quán một cách trơn tru mà không cần phải mất quá nhiều chi phí hay thời gian để đào tạo từ đầu.

Khả năng giao tiếp và ngoại ngữ tốt

Barista khác với đầu bếp ở chỗ bạn sẽ được giao tiếp và tương tác với khách hàng nhiều hơn. Một số đầu bếp họ sẽ có không gian cá nhân với căn bếp riêng, tất cả những người họ gặp gỡ trong ngày thường là đồng nghiệp trong nhà hàng. Vị trí của quầy bar luôn nằm ở sảnh lớn của quán, nơi khách hàng có thể nhìn thấy. Công việc của barista không chỉ là chiết xuất espresso, pha chế thức uống mà đôi khi còn kiêm cả phục vụ thức uống cho khách, giải đáp những thắc mắc của khách về thức uống, hoặc… tâm sự chuyện đời với khách. Để có thể tương tác tốt với khách hàng, sở hữu khả năng giao tiếp tốt là yêu cầu nên có đối với mọi barista. 

4 điều thị trường cần ở barista
Để có thể tương tác tốt với khách hàng, sở hữu khả năng giao tiếp tốt là yêu cầu nên có đối với mọi barista (Ảnh minh họa: takahiko)

Ngành du lịch, dịch vụ nhà hàng – khách sạn đang hồi sinh mạnh mẽ sau dịch, du khách và thương nhân quốc tế đang trở lại Việt Nam nhiều hơn. Đây cũng là lượng khách hàng to lớn của các quán, các chuỗi cà phê, và để có thể giao tiếp cũng như phục vụ nhóm khách hàng một cách tốt nhất thì barista cũng nên rèn giũa cho mình kỹ năng ngoại ngữ. Ngoài ra những cuộc thi quốc tế dành cho barista cũng đã rục rịch quay trở lại sau cơn đại dịch, để có thể ghi danh và tham gia, ngoại ngữ chính là chìa khóa khác giúp bạn tiến xa hơn.

Biết gia tăng sự hài lòng và trải nghiệm cho khách hàng

Trong ngành dịch vụ, barista cũng là một nhân viên “tiền tuyến” và chịu trách nhiệm trao đổi, hỗ trợ cũng như thuyết phục khách hàng trải nghiệm các sản phẩm do quán/nhà hàng của bạn cung cấp. Để làm được, bên cạnh khả năng ăn nói, barista còn cần phải biết lắng nghe và thấu hiểu khách hàng. 

4 điều thị trường cần ở barista
Barista cần phải biết lắng nghe và thấu hiểu khách hàng (Ảnh minh họa: takahiko)

Sự nhanh nhẹn và tinh tế trong ứng biến cũng cực kỳ quan trọng bởi đây là ngành thường xuyên phát sinh những tình huống bất ngờ nhất, có thể là đến từ khách hàng, hoặc cũng có thể là do trục trặc đến từ quầy bar.Xử lý ổn thoả những tình huống bất ngờ giúp khách hàng có được sự trải nghiệm tốt và sẽ quay trở lại vào lần sau, đồng thời cũng giúp tăng danh tiếng và doanh thu cho quán của bạn.

Nhanh nhạy với xu hướng

Không chỉ thời trang mới luôn có những xu hướng mới không ngừng nghỉ, những ngành nghề khác cũng luôn có rất nhiều xu hướng đang chuyển động và thay đổi mỗi ngày. Thị trường ngành dịch vụ cũng như đồ uống những năm qua không ngừng thay đổi và phát triển mạnh mẽ với rất nhiều trào lưu ra đời và phủ sóng mạnh mẽ trong giới trẻ như cơn sốt trà sữa, món sữa tươi trân châu đường đen làm mưa làm gió một thời ở Việt Nam hay cà phê dalgona từng gây chú ý khắp châu Á.

4 điều thị trường cần ở barista
Cà phê dalgona từng là trào lưu rất hot vào năm 2020

Nắm bắt được xu hướng đồ uống đang thịnh hàng giúp barista có thêm ý tưởng mới, nắm bắt được hành vi khách hàng để cho ra đời những thức uống sáng tạo mới thu hút sự chú ý của những khách hàng cũ và cả tệp khách hàng tiềm năng. Không chỉ giúp ích nhiều trong công việc, biết tận dụng xu hướng còn giúp barista có lợi thế cạnh tranh với những đồng nghiệp khác khi tham gia các giải đấu quốc tế, trở thành những barista hàng đầu và dẫn đầu xu thế.

Không chỉ các doanh nghiệp, các chủ quán cà phê mới cần biết thị trường đang cần gì mà Barista School tin rằng ngay cả những barista cũng cần có sự thấu hiểu này. Có như thế bạn mới trở nên chuyên nghiệp và độc đáo hơn, có thể tìm được một bến đỗ ưng ý cho sự nghiệp, bên cạnh đó còn giúp nâng cao hình ảnh nghề nghiệp barista trong mắt tất cả mọi người.

Bài viết liên quan