Chúng ta đang sống giữa một thời đại khoa học công nghệ phát triển vượt bậc với hàng trăm hàng ngàn phát minh các công cụ, các loại robot thông minh có thể thay con người làm hết mọi công việc. Những việc cơ bản như dọn dẹp nhà cửa, ta có robot hút bụi đang rất phổ biến với nhiều dòng sản phẩm từ các thương hiệu. Nhìn rộng ra các ngành kinh tế ngoài xã hội ta có robot vận chuyển hàng hóa đối với lĩnh vực logistics, robot phục vụ bàn hay đầu bếp robot với khả năng chiên 50 con gà trong mỗi giờ trong ngành nhà hàng khách sạn, thậm chí còn có cả “barista robot” làm việc ở các quán cà phê nhỏ hoặc ở các trạm tàu điện ngầm.
Cách đây không lâu thương hiệu Xiaomi vừa lần đầu cho ra mắt robot hình người đầu tiên với tên gọi Robot CyberOne dùng camera AI, có thể phân biệt 6 loại cảm xúc, 45 loại giọng nói và học các kỹ năng mới mỗi ngày. Có thể thấy dường như rất nhiều việc trước đây tưởng chừng chỉ có con người mới có thể thực hiện đang được máy móc tự động hóa nhiều hơn. Nhưng có phải máy móc robot có thể thay thế con người làm tất cả mọi việc? Hẳn là không.
Con người vượt trội ở chỗ không chỉ có cơ thể phát triển toàn diện với đôi chân để đi, đôi tay để cầm nắm, bộ não để suy nghĩ,… Điểm tuyệt vời của một con người bằng da bằng thịt còn nằm ở việc có thể cảm nhận tất thảy những gì đã, đang và sắp hiện hữu trên thế gian này. Chúng ta có mắt nhìn tỏ sự vật sự việc, có tai lắng nghe ngàn vạn thanh âm, có miệng để ăn uống và cảm nhận hương vị, có mũi ngửi hết tận những mùi hương, mỗi cái chạm ở bất cứ nơi đâu trên thân thể đều đem lại những tín hiệu nào đó. Hệ giác quan này được gọi chung là “cảm quan”. Và có lẽ rất rất lâu nữa, hoặc không bao giờ tồn tại loại máy móc/robot có thể thay thế con người thực hiện những việc làm kể trên, nhận biết cảm quan tức là chúng ta đang sống, mà sống thì không ai có thể thay ai làm cả.
Cảm quan của một người sinh ra ngay từ khi ta còn là một bào thai bé nhỏ trong bụng mẹ. Đó dường như là phần tự nhiên nhất của con người, không cần trải qua luyện tập nhưng vẫn có thể sử dụng. Có lẽ chúng ta từng không để ý nhiều đến cảm quan huống chi nói đến việc luyện tập, nhưng thực tế là trong vài năm trở lại đây cảm quan được chú ý nhiều hơn, đặc biệt là ở phương diện nghiên cứu học thuật. Ở thì hiện tại chúng ta chưa thường xuyên nghe nói về khoa học cảm quan, nhưng trong tương lai chắc chắn tần suất xuất hiện của cụm từ này trong đời sống sẽ nhiều hơn. Vậy cảm quan, khoa học cảm quan là gì? Vai trò của nó trong đời sống con người quan trọng đến nhường nào? Hãy cùng Barista School tìm hiểu những thông tin mới mẻ nhưng không thiếu sự thú vị này thông qua bài viết hôm nay nhé!
Cảm quan là gì? Giá trị của cảm quan
Cảm quan là cảm nhận sự vật bên ngoài bằng các cơ quan kích thích bao gồm mắt, mũi, miệng, tai, thân thể,… Đại não là trung khu của tất cả cảm quan. Mắt là thị giác, mũi là khứu giác, miệng là vị giác, tai là thính giác, các bộ phận trên thân thể là xúc giác. Những cảm quan lớn này giúp cung cấp rất nhiều tiện lợi cho cuộc sống con người. Ngoại trừ những cảm quan lớn quen thuộc này còn có một hệ thống cảm giác vẫn luôn phát huy tác dụng trong mỗi chúng ta, ví dụ như giữ sự cân bằng cho thân thể, cảm nhận được no đói,… Trong hệ thống cảm giác này có hơn 20 loại.
Giá trị của cảm quan đối với con người từ lâu đã được chứng minh bởi sự đóng góp trực tiếp và đầy quan trọng trong đời sống thực tại. Sự tồn tại của mắt, mũi, miệng, tai và các bộ phận khác trên cơ thể ngoài những tác dụng trực quan như đã kể trên còn có nhiều ý nghĩa gián tiếp to lớn đối với cuộc sống của con người. Chúng giúp bảo vệ chúng ta tránh khỏi những tác động xấu từ bên ngoài, chúng ta biết tận hưởng và cảm nhận cuộc sống rõ ràng hơn cũng chính là dựa vào sở hữu đủ đầy năm giác quan. Năng lực của khứu giác bên cạnh có thể ngửi được hàng ngàn mùi hương thì còn có thể phân biệt đâu là hương thơm đâu là hương khó chịu, đâu là mùi hương của thức ăn đâu là mùi hương của nước hoa. Vị giác giúp chúng ta có thể nếm được rất nhiều hương vị khác nhau và phân biệt được từng loại, thế nào là chua, ngọt, mặn, đắng. Tương tự như thế với thính giác, thị giác và xúc giác. Những năng lực phân biệt này chính là tấm khiên bảo vệ con người tránh khỏi những tác động xấu từ bên ngoài trước khi chúng xảy đến, đồng thời cũng là cầu nối đưa con người tận hưởng trọn vẹn những gì tươi đẹp nhất của cuộc sống.
“Nhận thức được cảm quan nghĩa là bạn đang nắm giữ chìa khóa thay đổi thế giới quan của mình”
(Trích: Sensory – Chạm cà phê từ mọi giác quan)
Một ngày của chúng ta sẽ không thể nào trọn vẹn nếu không thể nhận thức được cảm quan, hoặc nói, không thể nhận thức được một trong những cơ quan kích thích.
Cảm quan giúp chúng ta cải thiện năng lực lựa chọn sản phẩm, thay vì trông chờ “tổ tiên phù hộ” để mua được một gói cà phê ngon thì chúng ta có thể dựa vào thị giác để nhìn ngắm bao bì, vị giác để nếm và cảm nhận mùi vị những mẫu thử của nhãn hàng, khứu giác để nhận biết gói cà phê chúng ta đang định mua có mùi hương như thế nào.
Bất cứ ai cũng không thể ở lại một nơi có quá nhiều mùi hương kỳ lạ và thiếu trong lành, trừ khi người đó bị mất khả năng ngửi và phân biệt mùi hương. Tầm quan trọng của khứu giác thường bị chúng ta bỏ quên, nhưng chính giác quan này là công cụ quan trọng giúp con người xây dựng nên những không gian sống lành mạnh. Một chiếc mũi nhạy cảm với mùi hương khiến chúng ta chăm chỉ giữ gìn vệ sinh, chăm sóc từng ngóc ngách của không gian sống bằng những mùi hương dễ chịu, giúp cơ thể và tinh thần thả lỏng.
Khoa học cảm quan là gì? Vai trò của khoa học cảm quan
Theo trường Đại học & Nghiên cứu Wageningen (WUR) giải thích, khoa học cảm quan là một lĩnh vực khoa học đa ngành liên quan đến cách con người cảm nhận thế giới và hành động dựa vào những gì các giác quan tiếp nhận được. Nó đề cập đến phương thức hoạt động của hệ giác quan, từ sự hứng thú và cách hiểu cho đến sự nhận thức và cách ứng xử. Mục tiêu của khoa học cảm quan là hiểu rõ hơn ý nghĩa của các tín hiệu cảm quan đối với các hành vi ăn uống, cách sử dụng hệ giác quan trong kiểm soát chất lượng và thiết kế sản phẩm. Các lĩnh vực nghiên cứu của khoa học cảm quan thường liên quan đến cách tương tác giữa con người và các sản phẩm. Bao gồm:
– Sự nhận thức về chất lượng,
– Sự ưa thích và chấp nhận đối với thực phẩm,
– Mối quan hệ giữa đặc tính lý hóa của sản phẩm và nhận thức cảm quan,
– Học hỏi và ghi nhớ, khao khát và thỏa mãn, giữa sức khỏe và hạnh phúc cá nhân.
Khoa học cảm quan vẫn đang là một định nghĩa mới mẻ, tuy nhiên lĩnh vực khoa học này đã được phát triển vào những năm 1960, Rose Marie Pangborn – giáo sư người Mỹ gốc Mexico là người tiên phong trong lĩnh vực phân tích cảm quan về các thuộc tính thực phẩm.
Bấy lâu khoa học cảm quan đã đóng vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống, việc xác định các đặc tính cảm quan của thực phẩm giúp ích nhiều cho sự thành công của các sản phẩm trên thị trường. Giữa một thời đại không còn thiếu cái ăn cái mặc, không phải âu lo về những vấn đề an ninh, con người ngày càng chú trọng nhiều hơn vào việc hưởng thụ, khám phá bản thân và những trải nghiệm mang tính cá nhân trong từng sản phẩm thực phẩm mà họ tiêu thụ.
Trong ngành cà phê nói riêng, khoa học cảm quan đang hỗ trợ nhiều cho sự phát triển của các sản phẩm cà phê, nhất là cà phê đặc sản. Với sự phổ biến của làn sóng cà phê thứ ba trên toàn thế giới, nhu cầu cà phê của đại đa số khách hàng không còn dừng lại ở việc nạp một thức uống có caffeine cao vào cơ thể để có một ngày làm việc tươi tỉnh, họ còn đang ngày càng đòi hỏi nhiều hơn ở những tách cà phê của mình. Sắc, hương, vị là những đặc tính cảm quan cơ bản chung để làm tiêu chí đánh giá khả năng thành công của một sản phẩm thực phẩm. Khách hàng ngày nay họ đòi hỏi ở một sản phẩm cà phê không chỉ dừng lại ở lượng caffeine, mà còn chú trọng vào hương thơm, mùi vị, màu sắc của cà phê. Để đánh giá chất lượng của một tách cà phê nếu chỉ dùng thị giác và vị giác sẽ không thể nào đủ. Sử dụng hệ giác quan để đánh giá cả màu sắc, mùi vị, hương thơm và thể chất (body) cà phê thì mới có thể đánh giá được toàn vẹn và chi tiết nhất.
Cảm quan là một phần không thể thiếu của con người, mỗi một giác quan khi được đánh thức đều sẽ là những trải nghiệm đầy thú vị cho cuộc sống. Được nếm mùi vị của những món ăn thức uống ngon, được ngửi những mùi hương tồn tại xung quanh vừa giúp ghi lại những thông tin mới mẻ vào não bộ vừa khơi gợi lại những ký ức trong tiềm thức với những hương vị đã từng quen. Khoa học cảm quan có thể vẫn còn mới, nhưng tương lai không xa con người sẽ chú trọng nó vào đời sống thực tiễn nhiều hơn. Nhìn, nghe, ngửi, nếm, cảm giúp đánh giá chất lượng sản phẩm và thiết kế, đồng thời cũng là những phương pháp chữa lành tâm hồn cho con người giữa cuộc sống quá nhiều bất ổn ở phương diện tinh thần như ngày nay.
Và đối với riêng ngành cà phê ngày nay khoa học cảm quan có vai trò và ý nghĩa như thế nào? Mời bạn hãy tiếp tục theo dõi trong những bài viết sau của Barista School nhé!
VIỆT NAM BARISTA SCHOOL
Website: https://baristaschool.vn
Facebook: https://www.facebook.com/VietNamBaristaSchool
Hotline: 1900 636 246
Địa chỉ: 38/13 Nguyễn Văn Trỗi, P.15, Q. Phú Nhuận, TP.HCM