Đã hơn một thế kỷ từ khi espresso lần đầu xuất hiện tại Ý cho đến nay, qua nhiều thời kỳ, hương vị của tách espresso được nâng tầm. Được cải tiến cùng với sự phát triển của ngành cà phê Đặc Sản. Cà phê pha máy đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống. Đi cùng với những biến thể khác nhau dựa trên nền cà phê espresso. Mức độ phủ sóng lan tỏa cấp số nhân của cà phê espresso trên thế giới đã nghiễm nhiên mang lại cho nó danh hiệu di sản của nước Ý.
Cà phê Espresso là gì ?
“Espresso là một loại cà phê được pha bằng cách ép một lượng nhỏ nước gần như sôi dưới áp lực đi qua bột cà phê xay mịn. Với nồng độ chất rắn hòa tan cao tạo nên độ dày và mạnh. Espresso có nhiều caffeine trên mỗi đơn vị thể tích hơn hầu hết các loại cà phê khác. Nhưng lại có kích cỡ nhỏ hơn. Espresso được làm ra bằng cách sử dụng máy pha chạy bằng hơi nước. Máy bơm điều khiển bằng piston và máy bơm điều khiển bằng không khí.”
Nguồn tham khảo: http://www.historyofcoffee.net/coffee-history/history-of-espresso).
Cà phê espresso không chỉ là loại cà phê có hương vị phong phú, dày dặn, đậm đà cá tính. Thêm vào đó với cách pha nhanh chóng, độc đáo. Espresso thành công trong việc chinh phục các tín đồ cà phê trên toàn thế giới. Đặc biệt là trong thời đại công nghiệp và công nghệ.
Lịch sử hình thành của Espresso?
Văn hóa Espresso bén rễ tại Ý vào đầu thế kỷ 20. Bắt đầu từ khi phát minh máy pha Espresso của Angelo Moriondo ra đời vào năm 1884. Lúc bấy giờ nhu cầu tiêu thụ cà phê tăng vọt. Khi cà phê bắt đầu trở thành một sản phẩm thương mại phổ biến tại châu Âu. Espresso dường như là một câu trả lời của Ý cho thế giới về một cách pha cà phê mới. Một cách pha vừa đậm đặc, vừa tiết kiệm thời gian, vừa tiện lợi nhất có thể.
Thức uống này bắt đầu trở thành một thói quen thưởng thức của người Ý. Đó là một tách cà phê hương vị hấp dẫn với tốc độ phục vụ nhanh chóng. Với đặc tính đó, espresso càng ngày càng khẳng định vị thế của nó trên thị trường. Dần dà độ phổ biến của cà phê espresso bắt đầu vượt khỏi ranh giới nước Ý. Nó đã thực sự bùng nổ sau làn sóng cà phê thứ hai.
Cà phê espresso đã trở nên phổ biến như thế nào?
Mô hình “chuỗi cửa hàng” Starbucks lấy văn hóa espresso của Ý làm chủ đạo. Ý tưởng đó được phát triển sau khi Howard Schultz – CEO lúc bấy giờ, phát hiện ra tiềm năng của thức uống này trong một chuyến công tác đến Milan năm 1983. Ông đã thực sự đưa cà phê espresso lên một tầm cao mới trên toàn thế giới.
Sau thành công Starbucks, văn hóa cà phê nói chung và cà phê espresso nói riêng bùng nổ diện rộng. Cụ thể, những chuỗi cửa hàng cà phê khác như Gloria Jeans, Coffee beans & Tea leafs,… Các cửa hàng cà phê tư nhân lần lượt xuất hiện với sự đa dạng về phong cách, quy mô…Các mô hình đó có điểm chung là lấy cà phê espresso làm sản phẩm chính. Đây chính là khởi đầu của làn sóng cà phê thứ hai.
Tuy làn sóng thứ hai chưa thực sự tập trung vào bản chất của cà phê mà thiên hướng về trải nghiệm không gian cà phê. Nhưng nhờ sự lan tỏa thành công đã làm tiền đề cho làn sóng thứ ba được hình thành. Từ đây giá trị nguyên bản của cà phê trở thành trọng điểm, mang lại một nét đẹp khác cho Espresso. Cà phê Espresso bây giờ không đơn thuần chỉ là một món cà phê đậm đặc, pha nhanh làm nền cho sữa và syrup nữa mà là một trường phái nghệ thuật riêng. Đặc trưng với những tiêu chí về chất lượng, hương vị. Đã trở thành một “lĩnh vực” và đã trở thành một “biểu tượng” của ngành cà phê.
Pha Espresso có gì mà hấp dẫn?
Có thể nói quy trình pha Espresso vừa vất vả nhưng cũng rất thú vị. “Nói nhỏ” một bí mật, nếu bạn không muốn bị “nghiện” thì tốt nhất đừng nên tự pha ở nhà. Hãy để việc đó cho các barista tài năng lo cho bạn.
Thứ nhất, để pha cà phê espresso, hạt cà phê được xay thành bột ở kích cỡ mịn vừa. Thứ hai, phân bổ và nén cho phẳng trong một đồ lọc kim loại nhỏ gắn liền với tay cầm. Đồ lọc có những lỗ li ti đủ để dòng chảy đi qua mà không để sót những bụi cà phê mịn vào tách. Thứ ba, gắn tay cầm vào máy espresso, nước có nhiệt độ gần sôi được bơm lên và bắt đầu đi qua bột cà phê. Cuối cùng, nước từ từ thấm bột cà phê và chất lỏng chứa chiết xuất cà phê bắt đầu nhỏ giọt vào tách bên dưới.
Để có một tách espresso ngon…
Về cơ bản thì để có một tách espresso ngon. Bạn cần có một công thức chuẩn kèm một mẻ cà phê chất lượng tốt. Một công thức chuẩn phải chính xác về khối lượng và dung tích. Bao gồm những yếu tố như sau :
- Lượng cà phê bột được dùng để pha
- Lượng dung tích cà phê thành phẩm
- Thời gian chiết xuất tách espresso
- Nhiệt độ nước pha
Pha espresso là quá trình khá nhiều thử thách vì dễ sai một gram bột hay một ml dung dịch… Hoặc do phân bổ không đều. Hay do lực nén không đúng, không đủ hoặc quá dư… Thì tách cà phê cho ra sẽ thay đổi hoàn toàn. Vì vậy cần phải liên tục kiểm soát các đơn vị đo để đảm bảo cho chất lượng espresso cuối cùng.
Cà phê Espresso và những biến thể được yêu thích
Cho đến nay thì Espresso đã hoàn toàn chiếm lĩnh thị trường cà phê. Theo số liệu thống kê đã có hơn 24.000 cửa hàng có máy espresso trên thế giới. Cùng với sự phát triển của khái niệm “cà phê Đặc Sản”. Espresso trở thành một cách thưởng thức những tinh túy của hạt cà phê chất lượng cao từ các vùng, các quốc gia cùng kiểu rang từ sáng đến vừa.
Nếu thứ uống nguyên vị này đã chiếm được không ít sự yêu mến của giới mộ điệu. Thì những biến thể sáng tạo của nó cũng tạo nên cơn sốt khắp nơi trên thê giới. Các món trên nền espresso đã trở thành thức uống hằng ngày của nhiều người. Cụ thể:
Cà phê espresso pha với nước nóng: Americano / Cà phê espresso pha với sữa: Cappuccino, Latte, Flat White …/ Cà phê espresso sáng tạo: Espresso Tonic …
Các món uống sáng tạo sử dụng espresso trở thành một trong những món đặc biệt của rất nhiều cửa hàng, chuỗi cà phê. Một trong những biến thể thành công đã đưa espresso thành một món thức uống “đa quốc gia” phải kể đến Caramel Macchiato của Starbucks. Món thức uống này đã trở thành “cơn lốc” ở khắp nơi và vẫn còn duy trì sự phổ biến cho đến bây giờ.
Máy pha Espresso và máy xay – điểm nhấn phong cách của các cửa hàng
Sau những cạnh tranh cải tiến về công năng. Thì phong cách thiết kế trở thành một trong những tiêu chí hàng đầu để lựa chọn máy pha Espresso và máy xay của khách hàng.
Thị trường cà phê sôi nổi kéo theo những lựa chọn đa dạng về kích cỡ, kiểu dáng, chất liệu của các máy pha. Hiện nay, các cửa hàng cà phê không chỉ chọn máy móc đáp ứng nhu cầu công suất. Mà còn chọn các thương hiệu thể hiện được cá tính, thậm chí trở thành điểm nhấn của cửa hàng.
Với phong cách hiện đại, tân thời có thể kể đến máy Slayer với kiểu dáng có những nét cong táo bạo. Hay phong cách phòng nghiên cứu thì phải nói đến máy Synesso với kiểu dáng nghiêm nghị,mộc mạc. Nét sang trọng, hiện đại của các loại máy pha, máy xay cũng là một phần trở thành lựa chọn là sản phẩm chính của cửa hàng.
Espresso – cảm hứng cho các cuộc thi barista thế giới
Nét nghệ thuật của cà phê espresso đã trở thành cảm hứng cho nhiều cuộc thi Quán Quân Pha Chế trên thế giới (WBC và WLAC). Những cuộc thi góp phần tạo niềm cảm hứng cho rất nhiều barista theo đuổi con đường chuyên nghiệp.
Với cuộc thi WBC (World Barista Championship), các thí sinh sẽ thi với cà phê espresso làm chủ đạo. Cụ thể là trong 15 phút các barista sẽ phải phục vụ espresso, espresso với sữa, và món sáng tạo trên nền espresso. Những món đó sẽ được barista gửi đến giám khảo và trình bày về hạt cà phê mà mình sử dụng.
Còn trong cuộc thi WLAC (Wold Latte Art Championship), các thí sinh sẽ trổ tài thể hiện kỹ thuật latte art theo chủ đề. Sau đó sẽ trình bày và biểu diễn về hình ảnh mà mình lựa chọn.
Xem thêm: Bí quyết chinh phục “đấu trường barista quốc tế” của Barista Chuyên nghiệp
Tương lai của Espresso
Mặc dù đã có một lịch sử hình thành lâu đời, espresso vẫn duy trì được mức độ phổ biến. Và vẫn dành được sự ưu ái bởi các tín đồ cà phê cho đến bây giờ. Cà phê espresso ban đầu chỉ là những tách cà phê cô đặc đậm đắng. Nhưng đến nay thì chất lượng của espresso đã trải qua những cải tiến rất đáng kể. Không phải là nói quá nếu khẳng định cà phê espresso đã và đang đóng vai trò chủ chốt của ngành barista.
Có thể trong tương lai, những làn sóng cà phê mới sẽ còn biến đổi và liên tục phát triển. Cũng có thể sẽ ít nhiều làm thay đổi cái nhìn của chúng ta. Nhưng chắc chắn Espresso vẫn sẽ tiếp tục tồn tại và phát triển cùng với ngành cà phê. Dù thế nào đi nữa, ngành cà phê nói chung và các barista nói riêng “nợ” Ý một lời cảm ơn vì đã tạo nên một di sản tuyệt vời như vậy!
VIỆT NAM BARISTA SCHOOL
Website: https://baristaschool.vn/
Facebook: https://www.facebook.com/VietNamBaristaSchool
Hotline: 1900 636246
Địa chỉ: 38/13 Nguyễn Văn Trỗi, P.15, Q.Phú Nhuận, TP.HCM