Trường nghề Việt Nam Barista School (VBS) – nơi đào tạo các chuyên gia pha chế được thành lập từ quan điểm sống không hời hợt.
Đội ngũ vận hành Việt Nam Barista School đang nỗ lực đào tạo các chuyên gia pha chế (barista) theo chuẩn quốc tế. Họ phải là khách hàng đầu tiên của mình, để khắt khe với từng chi tiết của nghề một cách tự nguyện.
Nghề nào cũng lắm công phu
“Đừng nghĩ làm barista là chỉ loanh quanh trong quầy, mà có rất nhiều cơ hội kiếm tiền, thậm chí gấp 3-4 lần người làm văn phòng. Tất nhiên, với điều kiện là không hời hợt khi làm bất điều gì”.
Trường nghề Việt Nam Barista School (VBS), thành viên của Hiệp hội Cà phê đặc sản thế giới (SCA) cũng bắt đầu từ quan điểm sống không hời hợt..
VBS được thành lập từ 13 năm trước, với kỳ vọng đào tạo người làm nghề barista theo đúng chuẩn mực, đó là chuyên môn thuần thục, kỹ thuật thành thạo và tôn trọng nghề nghiệp.
Đây không phải là mục tiêu dễ dàng, cho dù nghề này lâu nay được coi là lối thoát dành cho các bạn không chọn theo đuổi bậc đại học, cao đẳng.
“Thay đổi cách nhìn về giá trị của nghề barista nói riêng và nghề làm cà phê tại Việt Nam nói chung chưa bao giờ là mục tiêu ngắn hạn. Điều chúng tôi chia sẻ với nhau, đó là phải tự mình tôn trọng nghề của mình, thì mới mong được xã hội ghi nhận”, Ngọc chia sẻ và nghĩ đến cách mà đội ngũ vận hành VBS đang thực hiện.
Ở VBS, mọi người tôn trọng, tự hào về nơi mình làm việc, thấy công sức bỏ ra xứng đáng với sự đền đáp. Việc tạo ra các quy tắc, quy định cũng theo nguyên tắc cùng tuân thủ, chứ không phải bị ép buộc. Đó là cách tạo dựng văn hóa doanh nghiệp dựa trên tính kỷ luật, thông qua các quy tắc, quy trình – hệ thống mà cô vốn có sở trường.
Các barista được đào tạo tại VBS cũng theo môi trường văn hóa chung, nghĩa là không chỉ được đào tạo về chuyên môn, kỹ năng, mà còn học, thực hành văn hóa phục vụ và cả xu hướng phát triển của ngành cà phê.
2 năm gần đây, đội ngũ vận hành VBS dành thời gian xây dựng vị thế của VBS và barista Việt trên thị trường quốc tế. Mỗi năm, tổng lượng học viên được đào tạo tại VBS khoảng 500 người, nhưng hầu hết đều được các nhà hàng, chuỗi quán cà phê, khách sạn 5 sao… đặt hàng tuyển dụng.
“Không ai đánh thuế ước mơ. Chúng ta được quyền chọn cách làm việc trong vui vẻ thay vì bực dọc. Nhưng bất kỳ nghề nào cũng cần sự tập trung, công phu. Khi đó, cơ hội sẽ luôn rộng mở”.
Barista là người ca bài hát về cà phê
Khi nhận được câu hỏi, điều gì tạo nên chất lượng học viên sau khi tốt nghiệp từ VBS, thì đó chính là đội ngũ giảng viên, 50 người, chủ yếu là chuyên gia nước ngoài.
Họ là những người đã truyền tải các chương trình đào tạo barista nghiêm túc đến người học, từ kiến thức chuyên môn đến kỹ năng tay nghề, sự tương thích với nhu cầu thị trường Việt Nam và quốc tế.
Họ cũng chính là những người làm sống những thiết bị luôn nằm sẵn trong hộc tủ, để hòa âm, phối khí những bài ca về hương vị của cà phê.
Nếu ví von, barista là người ca bài hát về cà phê, thì các giảng viên là những người truyền tải kiến thức âm nhạc, các cách sử dụng thiết bị, nhưng quan trọng hơn, họ truyền tải tình yêu, sự hãnh diện về nghề nghiệp tới những người học, để tạo nên một dàn nhạc chuyên nghiệp, nhiều màu sắc.
Đây cũng là lý do mà VBS có quy định rất nghiêm khắc, đó là tất cả thiết bị liên quan đến việc học chỉ khi cần thiết mới được lấy ra, nhằm tránh gây mất tập trung cho học viên. Các phòng chức năng cũng được trang bị đủ, nhưng không hoành tráng.
“Chúng tôi cần học viên tập trung cho việc học, chứ không phải đến để sưu tầm hay chơi đùa với đồ chơi. Chỉ khi những người pha chế làm tốt công việc của mình, họ mới có quyền yêu cầu ngược lại với cà phê, nghĩa là với những khâu tạo nên chất lượng hạt cà phê, từ trồng, thu hoạch đến rang xay…”, Ngọc nói về quy định lớp học. Số lượng học viên trong mỗi lớp cũng được giới hạn ngặt nghèo, từ 8 đến 10 người/lớp.
Nguồn thu chính của VBS đến từ các chương trình đào tạo. Ngoài ra, VBS hợp tác xây dựng hệ thống quy trình vận hành cho các doanh nghiệp và R&D công thức sản phẩm mới cho các thương hiệu quốc tế… theo từng dự án.
Đặc biệt, VBS còn có một cố vấn đào tạo đặc biệt, đó là Julie Đặng, Chủ tịch Tổ chức Global Coffee School (GCS) do 48 nước thành viên bầu chọn. Julie cũng là một trong những giám khảo trẻ tuổi nhất Việt Nam đang đứng ngang hàng với các giám khảo nước ngoài trong nhiều giải quốc tế về bộ môn barista.
“Chúng tôi muốn các học viên có thể trực tiếp nhìn Julie, nói chuyện với cô để thấy, chặng đường phát triển vẫn còn rất dài, nhưng rộng mở”.
Theo Hồng Phúc I Báo Đầu Tư