Chủ tịch Global Coffee School: “Chạm cà phê từ mọi giác quan”

Submitted by hiroshi.digital On Friday, 03/25/22 - 9:40am

Julie Đặng, Chủ tịch Global Coffee School được kỳ vọng sẽ đại diện cho thế hệ phát triển văn hóa cà phê Việt Nam, vừa cho ra mắt quyển sách đầu tiên về cảm quan cà phê tại Việt Nam.

Theo Coffee Traveler Magazine, Julie Đặng là một chuyên gia trong ngành cà phê. Bắt đầu từ một tách cà phê mà cô vô tình được uống đã khiến Julie dành cả sự nghiệp trong ngành cà phê với những năm tháng tuổi trẻ rong ruổi, học tập và nghiên cứu về cà phê tại nhiều nền văn hóa khác nhau.

Cũng chính từ tình yêu với cà phê, Julie trở thành một trong những giám khảo trẻ nhất tại các cuộc thi, các giải vô địch về cà phê và cảm quan cà phê trên thế giới.

Cô là Chủ tịch Hiệp hội quốc tế các trường đào tạo về cà phê (Global Coffee School, GCS) nhiệm kỳ 2019-2022, giảng viên chuyên nghiệp, Hiệp hội Cà phê Đặc sản Thế giới; Giảng viên, Viện Nghiên cứu và Phát triển cà phê Hàn Quốc; cố vấn chuyên môn kiêm giảng viên tại Vietnam Barista School; giám khảo Latte Art Grading System; thành viên Hiệp hội Cà phê châu Âu.

Chu-tich-Global-Coffee-School-Cham-ca-phe-tu-moi-giac-quan
Julie Đặng chia sẻ tại buổi ra mắt quyển sách đầu tiên về cảm quan cà phê tại Việt Nam (Nguồn: VBS).

Càng đi nhiều nơi, Julie Đặng càng nhận thức rõ hơn về những tiềm năng của hạt cà phê Việt và tầm quan trọng của việc phát triển cộng đồng pha chế nước nhà.

Từ yêu thích cho đến gắn liền cuộc sống của mình với cà phê, hành trình này đã cho Julie cơ hội tiếp xúc và gặp gỡ nhiều người kỳ lạ, thú vị.

Cô thật sự phấn khích khi phát hiện ra có một thế giới khác mà mình muốn khám phá- thế giới hương vị cà phê. Đây là lý do vì sao Julie bắt đầu để ý đến các giác quan của mình và dần hiểu rằng, chúng có ý nghĩa như thế nào đến cuộc sống.

Khi làm việc nhiều năm ở môi trường quốc tế, Julie nhận thấy rằng, các tài năng về pha chế và đánh giá cà phê tại Việt Nam không hề thua kém đối thủ nước ngoài.

“Nhưng chúng ta còn thiếu cơ sở hạ tầng mà trong đó nhân lực đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Đó là lý do Julie ấp ủ series sách về cà phê đầu tiên tại Việt Nam nhằm chia sẻ kiến thức về cà phê dựa theo tiêu chuẩn quốc tế, những bài học kinh nghiệm mà tôi đã đúc rút từ nhiều năm làm việc trong ngành cà phê”, Julie chia sẻ.

Chu-tich-Global-Coffee-School-Cham-ca-phe-tu-moi-giac-quan
Việt Nam có đội ngũ pha chế, đánh giá cà phê tài năng không hề thua kém các đối thủ nước ngoài (Ảnh: HP).

Ông Luigi Lupi, người được ví von là cha đẻ của Latte Art, đồng sáng lập Latte Art Grading System gặp Julie Đặng lần đầu tiên khi Julie Đặng là giám khảo cho một cuộc thi tại Myanmar. Kể từ đó, họ duy trì mối quan hệ đối tác tin cậy và bền chặt cho chương trình đào tạo quốc tế Latte Art Grading.

“Tôi rất tin tưởng vào khả năng cũng như vốn hiểu biết tuyệt vời của Julie về cà phê, cũng như hy vọng cô ấy sẽ đại diện cho thế hệ phát triển văn hóa cà phê Việt Nam”, ông Luigi Lupi chia sẻ trong quyển sách “Chạm cà phê từ mọi giác quan” mà Julie vừa phát hành.

Cuốn sách “Chạm cà phê từ mọi giác quan” chính là nội dung mà Julie Đặng tâm đắc nhất và mong muốn có thể chia sẻ được đến nhiều người. Đây là nội dung nền tảng, đồng thời cũng là những kiến thức quan trọng nhất đối với bất kỳ ai quan tâm đến cà phê.

Chạm cà phê từ mọi giác quan cũng là ấn phẩm đầu tiên thuộc series sách Cà Insider gồm 6 quyển viết về thế giới cà phê của Julie Đặng.

Sách cung cấp kiến thức đầy đủ về các kỹ năng cảm quan – cánh cửa mở ra hành trình khám phá cà phê một cách trọn vẹn cho những tín đồ yêu mến mùi hương đặc biệt này.

Chu-tich-Global-Coffee-School-Cham-ca-phe-tu-moi-giac-quan
Cà phê sẽ không còn là những sắc nâu, đen mà còn là những tầng cảm giác tinh tế khi cảm nhận chúng bằng cả 5 giác quan (Nguồn: VBS)

Julie cho rằng, khi nhắc đến cà phê, phần lớn mọi người đều nghĩ ngay đến kỹ thuật của nhân viên pha chế (barista), các loại máy móc hiện đại mà quên mất rằng, khả năng cảm quan mới là điều tối quan trọng.

“Nếu không thể phân biệt hương vị, không thể cảm nhận cà phê thì chúng ta không thể biết liệu một loại cà phê có đủ chất lượng, một ly cà phê có đạt tiêu chuẩn phục vụ khách hàng hay không”, Julie nói và cho rằng, không chỉ ứng dụng trong việc đánh giá cà phê, cảm quan còn mang ý nghĩa cải thiện mức độ tích cực trong cuộc sống nếu con người biết sử dụng các giác quan một cách tối ưu.

Cà phê sẽ không còn là những sắc nâu, đen mà còn là những tầng cảm giác tinh tế khi cảm nhận chúng bằng cả 5 giác quan: thị giác, khứu giác, vị giác, thính giác và xúc giác.

Khứu giác là một giác quan quan trọng song thường bị lãng quên so với 4 giác quan còn lại.

Trong khi đó, khứu giác liên quan đến cảm xúc trí nhớ và mùi hương đầu tiên mà mỗi người cảm nhận được vào mỗi sáng sẽ ảnh hưởng đến cách mà họ làm việc, học tập trong cả ngày.

Tác giả của quyển sách đặt tham vọng, “Chạm cà phê từ mọi giác quan” không chỉ mang đến kiến thức chuyên môn về cà phê mà hơn cả thế, cô muốn ngày càng nhiều người tìm được cách phát triển cảm quan.

“Mũi là để thở, ai cũng biết rồi. Mũi dùng để ngửi, mọi người cũng biết luôn. Nhưng dùng mũi để thưởng thức cuộc sống thì không phải ai cũng biết”, Julie chia sẻ.

Theo Hồng Phúc I Báo Đầu tư

Bài viết liên quan