Barista cần gì để pha được một ly cà phê hoàn chỉnh và chất lượng? Đây hẳn là câu hỏi mà các newbie luôn đề cập trong nhiều cuộc trò chuyện vể thế giới cà phê. Sự thật thì những dụng cụ pha chế cà phê, kiến thức, kỹ năng và kỹ thuật của các barista là làm nên các món thức uống kỳ diệu ấy. Hãy cùng Barista School cùng điểm qua danh sách một số dụng cụ pha chế cà phê cần thiết cho barista nhé.
Danh sách thiết bị và dụng cụ pha chế cà phê cần thiết
Rõ ràng là bạn cần một chiếc máy pha cà phê espresso. Đây là thiết bị gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của mỗi barista. Máy pha cà phê espresso là cả một thế giới mà các barista say mê khám phá, nhất là trong thời đại công nghệ mỗi ngày phát triển. Tất nhiên, không thể thiếu chiếc máy xay cà phê phù hợp. Và chắc chắn phải có những hạt cà phê mới rang thơm lừng.
Bên cạnh đó, barista cũng cần các công cụ và phụ kiện đặc biệt khác. Dưới đây là danh sách một số thiết bị, dụng cụ pha chế cà phê cơ bản và cần thiết mà các barista cần cho công việc của mình.
Coffee Tamp – Đứng đầu danh sách dụng cụ pha chế cà phê cần thiết
Nếu bạn là tín đồ của cà phê pha máy, chắc chắn bạn đã từng thấy coffee tamp. Đó là một vật trông giống như một thứ mà nhân viên bưu điện sử dụng để đóng dấu trên lá thư. Coffee tamp có một tay cầm cong độc đáo, và một đĩa kim loại phẳng tròn được gắn với nhau. Hầu hết dụng cụ này được làm bằng thép không gỉ hoặc kết hợp với gỗ.
Đây là một vật dụng cực kỳ quan trọng để pha cà phê espresso. Nếu bạn cố gắng pha một tách espresso mà không sử dụng coffee tamp, bạn chắc chắn sẽ thất bại. Tại sao? Vì nếu không nén, nước sẽ nhanh chóng đi qua bột cà phê. Lúc này chiết xuất thất bại, bạn có một ly cà phê hỏng và cực kỳ nhạt nhẽo.
Hầu hết các máy pha espresso đều đi kèm với một bộ tamper có kích thước phù hợp với portafilter. Kích thước tamper thường nằm trong khoảng 48-58 mm.
Portafilter – Dụng cụ pha chế gắn liền với máy pha espresso
Bất kỳ một máy pha espresso nào cũng phải có portafilter, hay còn gọi là “tay cầm”. Đó là bộ lọc chứa bột cà phê trong quá trình chiết xuất espresso. Dụng cụ này nhìn trông giống như một chiếc thìa. Nó có một bộ phận gọi là basket (chén lọc) là nơi để chứa bột cà phê.
Portafilter gồm có:
Handle (tay cầm): Là phần sử dụng cầm, giữ để gắn portafilter vào đầu group.
Basket (chén lọc): Là phần quan trọng của portafilter để chưa bột cà phê. Basket có các lỗ tròn nhỏ li ti được đặt bên dưới hơi nước đi qua đầu group. Có nhiều kích cỡ basket khác nhau (12gram, 18gram …)
Spout (vòi): Portafilter đơn thì có 1 vòi, nếu là đôi thì có 2 vòi. Các vòi này giúp cà phê espresso chảy ra khỏi portafilter xuống tách đều hơn.
Có nhiều loại portafilter khác nhau: pressurized portafilter và non-pressurized portafilter. Đối với những người mới học về cà phê và barista mới vào nghề, nên sử dụng pressurized portafilter. Bởi vì loại này có cơ chế tạo thêm áp suất trong quá trình chiết xuất, sẽ hỗ trợ tốt hơn cho người chưa có nhiều kinh nghiệm. Các barista chuyên nghiệp lại thích sử dụng non-pressurized portafilter hơn. Bởi vì nó cho phép họ có thể “điều khiển” chiết xuất espresso bằng cách thay đổi các yếu tố như kích cỡ xay, liều lượng, độ mịn đồng đều của cà phê.
Tamp Mat
Tamp mat được sử dụng khi nén cà phê vào portafiter khi pha chế cà phê espresso. Đó là một tấm thảm cao su dày đặt trên mặt bàn pha chế. Vật dụng này có công dụng bảo vệ bề mặt làm việc và giúp giữ sạch sẽ khu vực pha chế của barista. Tamp mat thường được làm bởi chất lượng silicon với nhiều kiểu dáng và kích cỡ khác nhau. Bạn có rất nhiều sự lựa chọn cho khu vực làm việc của mình.
Barista Cloths/ towel (khăn)
Sạch sẽ là một yếu tố bắt buộc phải giữ cho tất cả các dụng cụ pha chế cà phê. Vậy nên hệ thống khăn vệ sinh chuyên dụng là không thể thiếu trong quầy pha chế cà phê của barista. Một barista sử dụng ít nhất 3 loại khăn khác nhau để vệ sinh khu vực và dụng cụ làm việc của mình. Cái thứ nhất dùng để lau về mặt máy pha. Chiếc khăn thứ hai dùng cho các bộ phận tiếp xúc với cà phê. Cái thứ ba dùng để lau sữa còn sót lại trên vòi hơi đánh sữa. Đó là chưa kể khăn lau mặt bàn quầy bar …
Milk Jugs (ca đánh sữa) – Dụng cụ pha chế cà phê quen thuộc của barista
Cho dù bạn chuyên pha chế cà phê máy hay cà phê thủ công. Trong số những thứ quan trọng nhất mà bạn phải có trong bộ dụng cụ pha chế cà phê của mình là ca đánh sữa. Ca đánh sữa có nhiều màu sắc khác nhau, lựa chọn phụ thuộc vào sở thích hoặc tương đồng với trang trí của quầy cà phê. Chất liệu là điều mà các barista cần quan tâm nhất vì nó ảnh hưởng đến chất lượng đồ uống cũng như sức khoẻ người tiêu dùng. Đa số barista đều trang bị cho mình một chiếc ca “xịn” và luôn xem nó là vật bất ly thân của mình. Ca đánh sữa có nhiều kích cỡ khác nhau, hãy lựa chọn tuỳ theo nhu cầu sử dụng của mình.
Thông thường có 5 kích cỡ: 350ml, 600ml, 900ml, 1.500ml, 2.00ml
Knock Bin/ Waste Tube
Khi pha cà phê xong, bạn bỏ bã cà phê ở đâu? Tất nhiên là vào waste tube rồi. Cho dù bạn pha cà phê tại nhà hay điều hành một quán cà phê. Đây là một trong những dụng cụ cần có trong bộ dụng cụ pha chế cà phê.
Đơn giản, đây là một hộp đựng, mục đích chính là chứa bã cà phê sau khi pha chế. Waste tube là một chiếc thùng tròn hoặc vuông có thanh ngang ở giữa phía trên. Thường được bao phủ bởi cao su để giảm va đập, một phần để bảo vệ portafilter.
Milk Thermometer (máy đo nhiệt độ sữa)
Một chiếc nhiệt kế thực sự quan trọng, nhất là đối với các barista mới vào nghề và chưa có nhiều kinh nghiệm. Thường được sử dụng trong công đoạn tạo bọt sữa. Sữa nên được đánh ở nhiệt độ từ 60-65 độ C. Ở nhiệt độ này, đường và protein trong sữa được caramel hoá hoàn hảo. Từ 70 độ C trở lên, sữa sẽ sinh ra các yếu tố không tốt cho sức khoẻ. Thêm vào đó, kết cấu của sữa cũng sẽ bị sủi bọt khi quá nóng. Vậy nên, nhiệt kế rất quan trọng.
Grouphed Brush (chổi vệ sinh)
Một bộ cọ vệ sinh máy pha espresso chắc chắn không quá xa lạ với các barista. Mục đích là để làm sạch đầu máy pha espresso, đặc biệt là ở những vị trí khó tiếp cận. Đây cũng là quy trình bắt buộc trong công việc của các barista để giữ vệ sinh, bảo vệ máy cũng như đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Dosing Scales (cân định lượng)
Cân định lượng là dụng cụ pha chế cà phê bắt buộc có ở các tiệm specialty coffee. Điều này hỗ trợ barista rất nhiều khi pha chế để có chất lượng và hương vị tuyệt vời nhất.
Espresso shot glass
Nên nhớ rằng, mỗi món thức uống là một công thức khác nhau. Nếu bạn muốn pha cà phê ngon một cách đồng nhất, thì bạn phải pha theo công thức được đo lường chính xác. Vì vậy, chiếc ly đong rất quan trọng. Espresso shot glass là chiếc cốc chịu nhiệt, có vạch thể tích cụ thể. Có nhiều loại với chất lượng khác nhau đi cùng giá tiền tương ứng. Tuy nhiên, một lời khuyên là không nên mua hàng rẻ tiền vì chúng sẽ nhanh hỏng, bạn nhanh tốn tiền mua cái mới. Hơn nữa, cốc càng rẻ thì độ chính xác càng thấp. Vậy nên, cách tiết kiệm nhất là mua hàng xịn để thời gian sử dụng được lâu dài hơn.
Danh sách trên chỉ là một số dụng cụ pha chế cà phê cơ bản và cần thiết tối thiểu cho một quầy pha chế điển hình thôi. Thực tế thì còn có rất nhiều dụng cụ, vật dụng pha chế cà phê khác nữa. Chẳng hạn như dụng cụ pha chế cà phê thủ công, đó là cả một thế giới “đồ chơi” phong phú, đa dạng.
VIỆT NAM BARISTA SCHOOL
Website: https://baristaschool.vn
Facebook: https://www.facebook.com/VietNamBaristaSchool
Hotline: 1900 636 246
Địa chỉ: 38/13 Nguyễn Văn Trỗi, P.15, Q.Phú Nhuận, TP.HCM