Ở đâu có cà phê ngon nhất thế giới?

Submitted by hiroshi.digital On Wednesday, 03/03/21 - 11:00am

Cà phê là đối tượng phát triển từ làn sóng thứ nhất đến hiện tại là làn sóng thứ 4. Cà phê đi từ sản phẩm thương mại đơn thuần trở thành một loại đặc sản đắc giá. Khắp thế giới, năm châu bốn biển đều sử dụng cà phê hằng ngày vời nhiều mục đích khác nhau. Có người chỉ sử dụng nó như một yếu tố làm tỉnh táo. Có người lại xem đó là một thú vui thưởng thức. Người nhận xét ngon, kẻ cho rằng bình thường và không có ý kiến gì. Vậy có bao giờ bạn tự hỏi cà phê ngon là gì? Có loại cà phê ngon nhất thế giới không? Đó là cà phê có hương vị như thế nào? Hãy cùng Barista School tìm hiểu nhé!

Ở đâu có cà phê ngon nhất thế giới?
Ảnh (Sưu tầm): Cà phê ngon nhất thế giới ở đâu vậy?

Cà phê ngon nhất thế giới ở đâu?

Đầu tiên hãy làm quen với Sasa Sestic, Quán Quân cuộc thi Barista Quốc Tế năm 2015 – một thần tượng của ngành cà phê. Đó cũng là người có niềm đam mê mãnh liệt trong hành trình đi tìm loại cà phê ngon nhất thế giới. Mở đầu bộ phim tài liệu về ông – “The coffee man” là câu hỏi, mà dường như là trăn trở, nỗi niềm của bất kỳ ai:

“Cà phê ngon nhất thế giới ở đâu?”

Liệu đó có phải là Kopi Luwak, món cà phê chồn “khét tiếng” là đắt giá nhất nhì thế giới. Hay là cà phê Blue Mountain danh giá của Jamaica. Có phải là cà phê Geisha – cơn sốt của giới cà phê đặc sản (specialty coffee)?

Rất tiếc, tất cả câu trả lời trên đều không chính xác. Bởi vì xấu hay đẹp là do người nhìn, ngon hay dở là do người uống.

Sasa Sestic - Người đam mê tìm kiếm cà phê ngon nhất thế giới
Ảnh (sưu tâm): Sasa Sestic (Quán quân Barista Quốc tế 2015) – Người đam mê tìm kiếm cà phê ngon nhất thế giới

Ly cà phê ngon nhất đối với bạn, chính là ly cà phê ngon nhất “thế giới”!

Định nghĩa về ngon phụ thuộc hoàn toàn vào cảm nhận cá nhân của người uống. Và sở thích của mỗi người sẽ khác nhau. Thị hiếu tùy vào văn hóa, tập quán, trải nghiệm, di truyền, khả năng nếm, thói quen ăn uống và sức khỏe. Tương tự như bạn hỏi rằng, loại táo nào là ngon nhất thế giới? Có người sẽ nói là táo đỏ, có người thì nói táo xanh, cũng có người lại thấy táo Tàu là ngon nhất. Rõ ràng, việc đi đến thống nhất của phạm trù sở thích cá nhân dường như là không thể. Đặc biệt khi cà phê có hàng trăm loại với đủ cách sơ chế, cách rang, kiểu dáng, hương vị, đặc trưng khác nhau.

Bạn không thể trả lời câu hỏi cà phê ngon nhất thế giới là loại nào. Nhưng bạn sẽ trả lời được câu hỏi “bạn mong muốn điều gì trong ly cà phê của mình?”. Có thể hiểu rằng ly cà phê ngon nhất đối với bạn, chính là ly cà phê ngon nhất “thế giới”.

Vậy cà phê như thế nào thì được xem là NGON?

Khái niệm Cà phê Đặc sản của làn sóng thứ ba chính là đáp án cho câu hỏi này. Cà phê ngon là cà phê có hương vị tuyệt vời và không có vị lỗi.

Thứ nhất, cà phê ngon là cà phê mà cả mùi hương và cả vị đều mang lại cảm giác cân bằng, hài hòa, thỏa mãn, dễ chịu. Những mùi hương tích cực và được yêu thích của cà phê được các chuyên gia phân vùng trong chín nhóm sau:

  1. Trái cây nhiệt đới
  2. Quả (trái cây) mọng nước
  3. Trái cây hạt lớn
  4. Nhóm cam chanh
  5. Hạt và các loại ngũ cốc
  6. Chocolate và caramel
  7. Hoa và thảo mộc
  8. Nhóm gia vị
  9. Nhóm rau củ quả
Những nhóm mùi hương tích cực của cà phê
Những nhóm hương vị cà phê trên “Coffee Taster’s Flavor Wheel

Có thể khẳng định rằng, mùi hương tạo nên ấn tượng đầu tiên về tách cà phê. Và cũng quyết định việc chúng ta có thích loại cà phê đó hay không.

Thứ hai, chúng ta bàn về vị nhé. Cà phê có năm vị cơ bản bao gồm mặn, chua, ngọt đắng và vị lợ. Tuy nhiên theo tiêu chuẩn đánh giá của SCA, chúng ta thường chỉ phân tích các vị chua, vị ngọt và vị đắng của cà phê. Ta thấy rằng, lại một lần nữa, sở thích cá nhân lại là yếu tố quyết định việc chúng ta có thích loại cà phê đó hay không. Có một số người sẽ rất thích vị chua. Cũng có một số người lại cho rằng cà phê phải đắng mới ngon. Tuy nhiên chắc chắn đa số chúng ta thường sẽ thích vị ngọt.

Có người thích cà phê “đậm đặc”, có người lại thích cà phê “nhẹ nhàng”

Thứ ba, chúng ta sẽ bàn đến cảm giác vòm miệng: đó kết cấu và độ nặng trên lưỡi. Có một số người thì thích cà phê có độ “dày” và “đậm đặc”. Nhưng cũng có một số người khác lại thích cà phê “nhẹ nhàng”, “thanh thanh” như trà. Cuối cùng phải xét đến chính là hậu vị. Yếu tố này sẽ quyết định việc chúng ta có chọn cà phê này hay không. Bởi vì hậu vị chính là cảm giác cuối cùng mà chúng ta nhớ về loại cà phê đó. Dư vị giống như một ấn tượng sâu đậm khó phai. Buộc chúng ta phải tìm kiếm đến hương vị cà phê đó thêm một lần nữa.

Tóm lại, cà phê ngon cũng có loại này loại kia. Người uống cũng có khẩu vị thế kia thế nọ. Thực tế, không có câu trả lời đúng sai ở đây. Vì đơn giản là đúng với bản thân ta nhưng lại sai với người khác hoặc ngược lại. Vậy nên, quan trọng là chúng ta có thể tìm được ly cà phê mà mình thích. Đồng thời cũng cần tôn trọng sở thích của người khác, để hiểu và có cái nhìn khách quan hơn về cà phê.

Những tiêu chí cần biết khi chọn cà phê ngon

Biết được điều mình muốn ở ly cà phê sẽ dễ dàng hơn khi tìm kiếm tách cà phê ngon. Sau đây sẽ là một số điều hữu ích cho bạn để có thể tìm được loại cà phê hợp gu cũng như nhu cầu của bản thân.

1. Giống cà phê Arabica và Robusta

Mặc dù chứa ít caffeine hơn Robusta nhưng hạt Arabica thường được coi là vượt trội về hương vị. Cà phê Arabica đa dạng hơn về mùi hương, tông trái cây, hoa và các loại thảo mộc nhiều, độ chua, hàm lượng đường cao. Thường thì Robusta thiên hướng đắng nhiều, thường có tông mùi đất, gỗ, vị gắt và mạnh hơn nhiều so với Arabica.

2. Cà phê bản địa (Single Origin) và cà phê phối trộn (Blend)

Cà phê thế nào là ngon?
Tìm hiểu và nắm rõ thông tin về Cà phê Single Origin và Blend, cũng như nhiều loại cà phê khác để chọn cho mình loại cà phê hợp gu

Cà phê bản địa là cà phê có nguồn gốc đơn nhất. Nó thể hiện rõ được nét đặc sắc của vùng trồng, những yếu tố ảnh hưởng từ nơi sản xuất. Còn cà phê phối trộn là mẫu cà phê có sự kết hợp từ các loại cà phê có xuất xứ khác nhau. Sự phối trộn nhằm mục đích cân bằng về vị và che lấp khuyết điểm cho nhau.

3. Nguồn gốc

Yếu tố vùng trồng, thổ nhưỡng, vị trí địa lý sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến hương vị cà phê. Vậy nên phải chọn những loại cà phê có xuất xứ tốt để có được tách cà phê như ý. Một số vùng trồng có thể tham khảo là:

  • Colombia, Brazil, Honduras, Panama, Guatemala, Costa Rica… (Châu Mỹ)
  • Ethiopia, Kenya, Rwanda… (Châu Phi)
  • Papua New Guinea, Indonesia… (Châu Á)

Đây đều là những nước đứng hàng đầu thế giới về sản lượng và chất lượng cà phê. Ngoài quốc gia sản xuất, bạn có thể tham khảo thêm về nông trại, đồn điền để có thêm các thông tin xoay quanh thổ nhưỡng, điều kiện trồng trọt của cà phê. Đó là những yếu tố ảnh hưởng cũng quan trọng không kém.

4. Phương pháp sơ chế

Mỗi phương pháp sơ chế khác nhau sẽ tạo cho cà phê hương vị đặc trưng riêng biệt. Thế nên biết được phương pháp sơ chế của cà phê và đặc tính của nó sẽ rất hữu ích cho việc lựa chọn loại cà phê mà mình mong muốn. Sau đây là một số phương pháp sơ chế phổ biến:

  • Sơ chế ướt: cà phê được xử lý qua sơ chế này thường có độ chua cao và “sạch”. Hương vị khá nhẹ nhàng, thiên hướng hương vị trái cây nhiều.
  • Sơ chế khô: với phương pháp này, cà phê có xu hướng ngọt và dày hơn. Hương vị thì phong phú và đa dạng hơn.
  • Sơ chế mật ong: cân bằng giữa hai loại sơ chế ướt và sơ chế khô. Có độ ngọt cao hơn và độ chua như sơ chế ướt, mà vẫn giữ được độ dày của sơ chế khô.
Sơ chế cà phê ảnh hưởng nhiều đến chất lượng
Ảnh (sưu tầm): Với cách sơ chế ướt, cà phê Yirgacheffe được cho là một trong những loại cà phê ngon nhất thế giới

5. Mức rang

Hương vị của cà phê phần lớn được hình thành là nhờ công đoạn rang. Cách thức rang và công thức rang sẽ tạo ra các mức rang khác nhau với hương vị không giống nhau.

Rang cà phê quyết định khá nhiều về hương vị
Cân chỉnh từng mức độ rang khác nhau để tạo ra cà phê phù hợp với nhu cầu thưởng thức
  • Rang sáng: có màu nâu nhạt. Mức rang này lưu giữ đầy đủ hương thơm tinh tế và hương vị nội tại của cà phê. Rang sáng có độ chua cao, khá phù hợp khi dùng với sữa.
  • Rang vừa: đây là mức rang truyền thống. Cà phê có màu sẫm với bề mặt khô, nhờn. Ở mức này cà phê có mùi thơm tươi sáng cân bằng giữa vị ngọt và vị chua. Thông thường ở mức độ này, cà phê có độ dày hơn so với rang nhạt, phù hợp với bất kỳ loại thức uống có sữa hoặc không có sữa.
  • Rang đậm: Cà phê rang đậm thường có màu nâu sẫm với một chút dầu trên bề mặt. Cà phê pha ra có màu tối, vị ít chua hơn so với các mức rang khác, cân bằng và dày hơn. Mức rang này thường được dùng cho cà phê espresso
Hương vị cà phê khác biệt ở các mức rang khác nhau
Các mức rang sẽ cho các hương vị cà phê rất khác nhau

Xem thêm: Hé lộ những tiêu chí đánh giá cà phê

Một góc nhìn riêng về “Cà phê ngon nhất thế giới”

Đối với những người yêu cà phê, tính khác biệt và đa dạng của cà phê chính là một sự “may mắn”. Qua hương vị, chúng ta nhìn thấy quá trình phát triển và trải qua các giai đoạn khác nhau của cà phê. Bản chất muôn hình vạn trạng của cà phê đã là một nét đẹp đặc trưng tạo nên sức hút của nó: cái đẹp của sự khác biệt.

Có người nói thông qua cà phê chúng ta có thể phân tích, học hỏi về rất nhiều khía cạnh trong cuộc sống. Ví dụ như địa lý, lịch sử, kinh tế, sinh học, hóa học, về tính logic của cà phê, về những trải nghiệm tinh tế trong cuộc sống. Đó là đam mê với kiến thức.

Với một số người khác thì cà phê là sự chia sẻ, là tình yêu trong từng giọt cà phê mồ hôi nước mắt mà bản thân mình đã cùng góp phần. Đó là tình yêu với những rung động chân phương.

Kết

Nói tóm lại, thì cà phê “ngon” nhất sẽ tùy thuộc vào mỗi người. Phụ thuộc vào mỗi giai đoạn trong cuộc sống, vào cương vị của người đó đối với cà phê. Đối với một khách hàng, loại cà phê ngon nhất là loại giá trị nhất, độc đáo nhất mà người đó mua được. Đối với một người làm cà phê, thì cà phê ngon nhất chính là cà phê mà mình trồng, mình rang, mình pha. Cho dù là ai, mỗi chúng ta, những cá thể khác biệt, cũng dành rất nhiều tình yêu với những loại cà phê khác biệt.

VIỆT NAM BARISTA SCHOOL

Website: https://baristaschool.vn/

Facebook: https://www.facebook.com/VietNamBaristaSchool

Hotline: 1900 636246

Địa chỉ: 38/13 Nguyễn Văn Trỗi, P.15, Q.Phú Nhuận, TP.HCM

Bài viết liên quan