Robusta còn gọi là cà phê Vối – một trong hai loại cà phê được trồng phổ biến nhất trên thế giới. Đặc biệt tại Việt Nam, Robusta được xem là dòng cà phê chủ lực đưa Việt Nam lên vị trí thứ hai thế giới về sản lượng cà phê. Ngoài ra, Robusta còn nổi tiếng là loại cà phê cực kỳ mạnh mẽ và đậm đà. Các Barista Việt hãy cùng tìm hiểu thêm về loại cà phê làm nên sự nổi tiếng của Việt Nam nhé.
1. Nguồn gốc và đặc điểm của cà phê Robusta
1.1 Nguồn gốc
Cà phê Robusta được phát hiện ở Congo vào những năm 1800. Đến những năm 1900 thì cà phê Robusta bắt đầu xuất hiện ở Đông Nam Á.
Hiện nay, giống cà phê này chiếm 30 – 40% tổng sản lượng cà phê của thế giới. Giống cà phê này được trồng phổ biến ở Tây và Trung Phi, Đông Nam Á, Trung và Nam Mỹ.
1.2 Đặc điểm
Robusta (cà phê vối) được trồng chủ yếu ở các khu vực địa lý nằm hai bên đường xích đạo, nơi có nhiệt độ từ 22 – 26 0 C. Độ cao lý tưởng cho sự phát triển của cây Robusta là 200 – 900 m so với mực nước biển. Nhưng có cũng có thể thích nghi tốt ngay cả ở độ cao 2000 – 2300 m. Ta thấy rằng, khả năng thích nghi của cây cà phê này rất tốt.
Tuy là nhóm cây dễ thích nghi nhưng giống cây Robusta lại chịu hạn rất kém. Thế nên, chúng chỉ thích hợp với những nơi có lượng mưa từ 1200 – 2500 mm. Thêm nữa, khả năng chịu lạnh của chúng cũng rất kém, nhiệt độ từ 18 – 36 0 C là thích hợp nhất với nó.
Đó cũng là những lý do vì sao Robusta phân bố rộng rãi ở lục địa Châu Phi, Đông Nam Á và Nam Mỹ.
Cây cà phê Robusta có dạng cây gỗ hoặc cây bụi. Chiều cao của cây trưởng thành có thể lên đến 10 m. Quả cà phê Robusta có hình tròn và hạt nhỏ hơn hạt cà phê Arabica.
2. Thế mạnh của cà phê Robusta
Thứ nhất, Robusta có đặc điểm nổi trội so với Arabica là “sức đề kháng”. Nó có thể kháng bệnh gỉ sắt, sâu đục thân và kháng cả côn trùng. Đây cũng là yếu tố làm nên tên tuổi của nó.
Thứ hai, tên gọi Robusta cũng được đặt bởi vì đặc tính kháng nấm và sâu bệnh rất mạnh này. Trong tiếng Ý, Robusta có nghĩa là mạnh mẽ và cứng cáp.
Thứ ba, ngoài tính thích nghi cao và đề kháng mạnh; loại cà phê này còn cho năng suất cao hơn rất nhiều so với cà phê Arabica.
3. Robusta ở Việt Nam
Ai cũng biết rằng, Việt Nam đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu cà phê Robusta. Có nhiều vùng trồng cà phê như Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Tây Nguyên và Nam Bộ. Tuy nhiên, nếu xét về điều kiện khí hậu thì các tỉnh Tây Nguyên là thích hợp nhất cho sự phát triển của cây cà phê.
Các nông trại cho năng suất và chất lượng cao nằm nhiều ở Đắc Lắc, Gia Lai, Buôn Ma Thuột… Tuy vậy, những giống cà phê ngon nhất được biết đến là từ Đà Lạt, Lâm Đồng. Bởi vì độ cao, điều kiện nhiệt độ, nước và ánh sáng ở đây vô cùng thuận lợi cho các dòng như Moka, Robusta, Bourbon.
Với đặc tính khí hậu nhiệt đới gió mùa ở Việt Nam rất thích hợp cây cà phê phát triển. Đặc biệt là với các loại cà phê chất lượng cao như Arabica, Robusta, Cherry. Nhưng năng suất cao và chất lượng tốt nhất vẫn là Robusta.
4. Hương vị của cà phê Robusta
Đắng là vị đặc trưng nhất của Robusta với nhiều cung vị khác nhau từ trung tính đến rất gắt. Vị thường được nhận ra diễn tả giống như bột yến mạch. Khi ngửi cà phê Robusta chưa rang sẽ thấy giống mùi đậu tươi. Khi được rang chín, sẽ có mùi đặc trưng của dark chocolate, caramel hơi cháy hoặc thoang thoảng mùi cao su cháy nữa.
Hương thơm của Robusta không được đánh giá cao bằng Arabica về độ nguyên chất và sự phong phú, đa dạng. Vị cũng nó cũng không thanh khiết bằng và nhẹ nhàng như cà phê Arabica. Đó là lý do vì sao mà giá của Robusta thường thấp hơn Arabica rất nhiều.
4.1 Robusta có ưu thế gì?
Đó là hàm lượng caffeine. Caffeine trong Robusta có hàm lượng rất cao, nó chiếm khoảng 2 – 4% hạt cà phê. Trong khi Arabica chỉ chiếm khoảng 1 – 3%. Đây là yếu tố nữa để chúng ta đồng thuận rằng loại cà phê này là “anh chàng” cà phê rất mạnh mẽ.
Phần lớn, mọi người đều luôn cho rằng Arabica hiển nhiên ngon hơn Robusta. Tuy nhiên, đó là một quan điểm hơi phiến diện. Thực tế, cà phê này khi chế biến ướt có thể cho chất lượng còn cao hơn các loại cà phê Arabica thông thường. Lưu ý là rất nhiều loại cà phê Arabica và không phải loại nào cũng là hảo hạng đúng với định nghĩa specialty coffee. Vậy nên, việc so sánh Arabica và Robusta phải căn cứ vào nhiều yếu tố thì mới chính xác.
4.2 Để cà phê Robusta trở nên thơm ngon hơn
Cà phê Robusta đắng nhưng có mùi thơm dịu, không có vị chua và ngọt hơn so với Arabica. Vì hương vị đơn thuần không mấy phong phú và lượng caffeine của loại cà phê này khá cao nên thông thường người ta thường blend (phối trộn). Công thức phối trộn thường là với Arabica, đôi khi có thêm chocolate hoặc cacao để hương vị thêm phần thú vị.
Công thức phổ biến: 30% Arabica : 40% Robusta : 30% cà phê trung hoà hoặc cacao
Với công thức trên thì hương vị của cà phê trở nên hấp dẫn, thơm ngon và phong phú hơn rất nhiều. Tuy vậy, đây không phải là công thức bắt buộc, bạn hoàn toàn có thể thay đổi theo sở thích của mình.
4.3 Lớp crema hoàn hảo
Bên cạnh hương vị đậm đà, Robusta làm hài lòng tất cả những ai yêu thích espresso bởi vì lớp crema đẹp một cách hoàn hảo của nó.
5. Robusta mạnh vậy liệu có hại cho sức khoẻ?
Cà phê chỉ có hại khi hạt không đảm bảo chất lượng, rang không đạt và pha không đúng mà. Thực tế thì cà phê là loại thức uống có lợi cho sức khoẻ nếu dùng đúng.
Như đã biết, trong Robusta chứa nhiều caffeine là chất có nhiều tác dụng tốt. Bên cạnh đó, các khoáng chất và hợp chất có lợi cũng mang đến cho người uống nhiều lợi ích.
Nói về công dụng tốt của cà phê, chúng ta có thể liệt kê một số điểm như:
- Chống buồn ngủ, giúp tinh thần sảng khoái và thoải mái hơn.
- Ngăn ngừa ung thư
- Chống lão hoá và kéo dài tuổi thọ
- Giảm cân và làm đẹp
- Và nhiều lợi ích khác nữa
Cà phê chỉ có lợi khi được sử dụng vừa phải và đúng đắn, nhiều nhất chỉ nên từ 2-3 tách mỗi ngày. Nếu quá lạm dụng cà phê, thay vì có ích thì lại thành phản tác dụng, thậm chí là gây hại cho sức khoẻ. Ví dụ như: Mất ngủ, say cà phê, tăng huyết áp, nóng trong người …
6. Vì sao Robusta thường rẻ hơn Arabica?
Hai loại cà phê này có sự chênh lệch về giá bởi 2 lý do chính:
6.1 Mùi vị
Thứ nhất, Robusta có vị đắng và ít thơm hơn so với Arabica. Điều thứ hai, hàm lượng chất béo và trong Arabica nhiều hơn 60% so với Robusta. Thứ ba, lượng đường chỉ bằng một nửa Arabica. Rõ ràng, vị của Arabica đa dạng với nhiều tầng mùi hương phong phú hơn Robusta.
6.2 Chế biến
Robusta thường được chế biến khô. Ngược lại, cà phê Arabica thường được chế biến ướt với các động đoạn kỳ công hơn. Chính quá trình lên men trong chế biến ướt đã tạo ra hương vị đậm đà và tôn lên vẻ đặc sắc cho hạt cà phê.
Thật ra thì với một số loại cà phê Robusta chất lượng cao, được chế biến theo phương pháp ướt sẽ cho ra hương vị tuyệt vời. Và hiển nhiên là giá trị kinh tế cũng cao hơn bình thường rất nhiều. Thế nên, giá thành không chỉ quyết định bởi giống hay nuôi trồng mà còn phụ thuộc vào thu hoạch, chế biến nữa.
Kết
Mặc dù cà phê Robusta thấp hơn Arabica về giá trị kinh tế. Nhưng chẳng phải vì vậy mà nó không được yêu thích. Cà phê Robusta bao năm vẫn giữ vững vị trí của mình trên thị trường bởi sự vượt trội về sản lượng và thị hiếu. Phần lớn người tiêu dùng, vẫn có thói quen uống cà phê đen – đắng – mạnh của Robusta; hoặc dùng nó trong công thức phối trộn.
Chính vì vậy, càng ngày những nhà sản xuất càng chú trọng hơn trong việc nâng cao chất lượng của Robusta về mặt hương vị để làm hài lòng số đông.
Xem thêm:
Hương vị cà phê đặc trưng hình thành bởi những yếu tố nào?
VIỆT NAM BARISTA SCHOOL
Website: https://baristaschool.vn
Facebook: https://www.facebook.com/VietNamBaristaSchool
Hotline: 1900 636 246
Địa chỉ: 38/13 Nguyễn Văn Trỗi, P.15, Q.Phú Nhuận, TP.HCM