Hiếm Barista nào không có đôi lần phàn nàn về những ông chủ quán khó tính và keo kiệt. Thực tế, một người làm nghề Barista chuyên nghiệp sẽ luôn biết bảo vệ doanh nghiệp. Họ được xem như người “cùng hội cùng thuyền” với chủ quán.
Nếu đặt mình vào vị trí người chủ, bạn sẽ hiểu rằng việc kinh doanh một quán cà phê rất nhiều áp lực. Trong đó, mục tiêu doanh thu để đảm bảo tài chính cho quán là vô cùng quan trọng. Người làm nghề Barista nên hiểu rằng mình được tuyển dụng để đồng hành cùng chủ quán. Và việc làm thiệt hại tiền bạc, tài sản của quán cũng ảnh hưởng rất nhiều đến công việc và thu nhập của nhân viên. Vậy đói với chủ quán, Barista nên có tâm thế ra sao?
Barista tạo ra doanh thu
Mục tiêu lớn nhất của quán cà phê đó là có khách hàng và có doanh thu. Và nhân viên pha chế là người trực tiếp tạo ra doanh thu qua dịch vụ bán hàng. Chính vì vậy, nhiệm vụ của nhân viên pha chế là giữ chân khách hàng bằng ly cà phê chất lượng và dịch vụ tốt nhất.
Có nhiều bí kíp khác nhau để người làm nghề Barista tạo ấn tượng khó quên đối với khách hàng. Trong số đó, sự chân thành ít khi được nhắc đến nhưng lại rất được khách hàng xem trọng. Sự chân thành thể hiện khi bạn lắng nghe khách hàng. Nó còn thể hiện khi bạn trao tay ly cà phê. Chân thành là khi bạn làm mọi thứ một cách tự nhiên, bằng tất cả tấm lòng. Chân thành khó mà có được khi cố biểu diễn hay lễ nghi sáo rỗng.
Bải vệ tài sản của quán cà phê
Để bảo vệ tài sản và tiền bạc cho quán, người làm nghề Barista cần có kiến thức và kỹ năng tốt. Với kiến thức bài bản, Barista sẽ sử dụng máy móc tối ưu. Họ không làm hư máy móc và cũng không làm hư hao hoặc tiêu tốn nhiều nguyên liệu. Chẳng hạn như cà phê không nên xay quá nhiều rồi để dành pha chế dần. Nếu hiểu cà phê, Barista sẽ xay cà phê ngay trước khi pha chế để tránh gây mất mùi vị, thậm chí còn như bị ôi thiu. Hoặc nhân viên pha chế thường phải cân nhắc về lượng sữa cần dùng cho mỗi lần pha. Nếu barista đánh sữa quá nhiều một lúc thì gần như sẽ bị lãng phí…
Một số máy xay không có bộ phận tản nhiệt dễ bị nghẽn cà phê nếu Barista xay quá khối lượng cho phép hoặc máy hoạt động liên tục với áp lực quá lớn, cùng với mức xay quá mịn. Hạt mịn nhiều kèm theo sự tụ nhiệt khiến cho lưỡi dao bị kẹt dẫn đến bị ngưng hoạt động. Ngoài ra bột cà phê xay ra sẽ dễ bị đắng….
Mặt khác, người làm nghề Barista cũng cần có sự tập trung khi làm việc để tránh tiêu tốn nhiều nguyên liệu. Sự mất tập trung khiến bạn làm việc không hiệu quả mà còn làm hư cà phê hay làm hỏng kết cấu sữa. Kết quả là vừa tốn chi phí mà bạn còn bị mất tinh thần làm việc.
Bảo vệ văn hóa và sáng tạo của quán
Người làm nghề Barista thường được khuyến khích giữ vững cá tính của mình. Bởi vì đó là điểm thú vị làm nên bản sắc, nét độc đáo ở mỗi nhân viên phục vụ. Tuy nhiên, nét riêng của Barista cũng cần phải có sự hòa hợp, đồng nhất với văn hóa của doanh nghiệp. Nếu phong cách hay hành xử của nhân viên trái với văn hóa của quán, thì chẳng những người chủ không hài lòng mà khách hàng cũng nghi ngờ về dịch vụ của quán.
Hơn ai hết, Barista là người dễ dàng truyền đạt thông điệp hay concept của quán đến khách hàng. Niềm tin của khách hàng sẽ tăng lên khi họ được trò chuyện với một nhân viên thấm nhuần văn hóa của doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý về những điều mà nhân viên nên nói và không nên chia sẻ. Có những điều thuộc về chiến lược tương lai hay bí mật kinh doanh thì chắc chắn là bạn nên giữ kín. Nếu không, bạn sẽ có thể gặp rắc rối với chủ quán.
Mỗi quán cà phê thường có các món độc quyền, do Barista sáng tạo nên. Đây là điểm ấn tượng và khác biệt nhằm kéo khách quay trở lại quán. Nhiệm vụ của người làm nghề Barista là bảo vệ công thức các sáng tạo này cũng như phát huy chất lượng món tối đa, nhằm mang đến món thức uống phù hợp với thị hiếu và bắt nhịp với làn sóng thị trường.
VIỆT NAM BARISTA SCHOOL
Website: https://baristaschool.vn
Facebook: https://www.facebook.com/VietNamBaristaSchool
Hotline: 1900 636 246
Địa chỉ: 38/13 Nguyễn Văn Trỗi, P.15, Q. Phú Nhuận, TP.HCM