Cà phê đặc sản khác gì với cà phê thương mại?

Submitted by hiroshi.digital On Tuesday, 02/23/21 - 11:22am

Chúng ta đã từng tìm hiểu về định nghĩa của cà phê đặc sản hay cà phê thượng hạng. Điều kiện nào cần và đủ để cà phê được xếp vào hạng “danh giá”. Tuy nhiên, tùy theo mục đích sử dụng, giá trị của cà phê thương mại cũng quan trọng không kém. Hãy cùng Barista so sánh hai loại cà phê này để chọn ra cho mình thức cà phù hợp bạn nhé!

1. Tiêu chuẩn khác biệt của Cà Phê Đặc sản và Cà phê Thương Mại

  • Cà Phê Đặc Sản (Cà Phê Thượng Hạng): Phải đạt các điều kiện sàng lọc của SCA (Hiệp Hội Cà Phê Đặc Sản Thế Giới) về chất lượng trong từng công đoạn. Từ khâu trồng trọt, sơ chế, rang, bảo quản cho đến pha chế.
  • Cà Phê Thương Mại : Không có một tiêu chuẩn bất kỳ hay cụ thể gì về chất lượng.

2. Nòi giống đặc trưng

Cà phê Thượng Hạng hay Cà Phê Đặc Sản chỉ sử dụng giống cà phê chè (Arabica) cho phân khúc cao cấp (điểm thử nếm trên 80). Arabica được lựa chọn bởi đặc tính nổi trội hơn về hương vị. Và hàm lượng caffeine của nó ít hơn so với cà phê vối (Robusta).

Cà phê đặc sản sử dụng hạt Arabica
Cà Phê Đặc Sản sử dụng hạt Arabica vì chúng thường cho hương vị nổi trội hơn.

Các giống Arabica cao cấp này thường chọn lọc hơn. Đòi hỏi điều kiện trồng trọt, tốn kém nhân công hơn do phải đạt chuẩn yêu cầu về chất lượng hạt xanh. Tuy nhiên sản lượng không cao, thay đổi theo mùa vụ chứ không duy trì xuyên suốt năm. Ngược lại, Cà Phê Thương Mại thường chú trọng hơn về tính kinh tế và thị hiếu chung. Cà phê Thương Mại thường là các loại Arabica phân khúc thấp hơn. Thường là phối trộn Arabica và Robusta hoặc là Robusta hoàn toàn. Sản lượng của cà phê Thương Mại khá ổn định. Luôn duy trì được nguồn cung bền vững theo yêu cầu của các thương hiệu, nhãn hàng lớn.

Cà phê thương mại: Robusta hoặc phối trộn Arabica & Robusta
Robusta hoặc phối trộn Arabica và Robusta luôn là sự lựa chọn của Cà phê Thương Mại.

3. Tính minh bạch của nguồn gốc  

Một trong những ưu điểm của cà phê Đặc Sản thượng hạng đó là tôn lên những hương vị bản địa đặc sắc của từng vùng. Vì vậy đối với phân khúc này, bạn có thể truy xuất nguồn gốc từ cả nông trại trồng trọt chứ không chỉ đơn giản là nước sản xuất. Bên cạnh đó những thông tin như giống, độ cao trồng, loại đất, canh tác, cách sơ chế, mức rang… đều rất quan trọng. Khách hàng mục tiêu của phân khúc này tìm kiếm sự trải nghiệm, tri thức cũng như câu chuyện mà cà phê bản địa mang lại. Thế nên sự yêu cầu về tính minh bạch của sản phẩm rất cao, thông tin càng chi tiết, đẳng cấp của cà phê càng được thể hiện rõ.

Đối với cà phê Thương Mại, thông tin nguồn gốc của cà phê thường đơn giản hơn nhiều. Lí do vì sản phẩm là sự phối trộn của nhiều giống hạt có xuất xứ, chất lượng khác nhau. Thông thường Cà Phê Thương Mại chỉ có những thông tin cơ bản như: giống, công cụ pha thích hợp. Người tiêu dùng của thị phần này thường xem cà phê như một sản phẩm giải khát giữ tỉnh táo.

4. Khác biệt ở Mức Rang và Độ tươi mới

4.1 Cà phê Đặc sản ngon nhất khi được rang ở mức vừa và khi tươi mới

Xu hướng rang cà phê Đặc sản (cà phê Thượng Hạng) theo đuổi sự tôn vinh hương vị đặc sắc mang tính bản địa của cà phê. Làn sóng thứ ba “đặc biệt ưu ái” mức rang từ đậm vừa cho tới sáng. Bạn biết đấy, rang càng đậm, các hương vị nguyên bản của cà phê càng mất dần, nhường chỗ cho vị đắng như phong cách thưởng thức cũ. Rang của làn sóng thứ ba cũng được xem là một trường phái nghệ thuật riêng bởi sự ảnh hưởng của quá trình chuyển hóa hương vị của cà phê trong giai đoạn này. Sản phẩm thượng hạng này tốt nhất được sử dụng trong vòng một tháng sau khi rang. Làm vậy để đảm bảo độ tươi mới, đảm bảo hương vị của cà phê.

4.2 Cà phê Thương mại phù hợp với gu rang đậm

Loại này có chất lượng không đồng đều nên việc rang sáng sẽ dễ lộ các lỗi có trong hạt. Thông thường để lấp đi khuyết điểm, thợ rang sẽ rang từ đậm đến tối màu. Ngoài ra, họ còn ướp thêm hương vị để tăng sự hấp dẫn với người dùng. Các công ty sản xuất cũng thường kéo dài hạn sử dụng cho cà phê sau khi rang từ một đến hai năm. Việc này sẽ giảm chi phí, thậm chí còn tăng lợi nhuận. Mặc dù theo lý thuyết thì cà phê sau một năm vẫn có thể dùng được. Nhưng lúc này hương vị của cà phê sẽ rất kinh khủng.

Mức rang khác nhau giữa cà phê đặc sản và cà phê thương mại
Xu hướng gu thưởng thức Cà phê Đặc Sản và Cà phê Thương Mại khác biệt nên sẽ có mức độ rang không giống nhau.

5. Sự tiện lợi của Cà Phê Thương Mại và Cà Phê Đặc Sản

Đương nhiên nếu xét về phương diện tiện lợi thì cà phê Thương Mại sẽ nhỉnh hơn rất nhiều. Do tính chất cầu kỳ của Cà Phê Đặc Sản, việc tiếp cận và tìm nguồn mua uy tín gần như khó khăn hơn. Đôi khi để mua  bạn cần phải đặt trước qua trực tuyến hoặc tìm các nhà rang đáng tin.

Trường hợp nếu bạn muốn mua hạt nhân xanh, việc vận chuyển có thể kéo dài hơn cả tháng. Điều này thật ảnh hưởng đến chất lượng cà phê. Còn nếu mua hạt rang, bạn nên chú ý tới ngày rang để đảm bảo sản phẩm tươi mới nhất… Song song đó, việc thưởng thức Cà Phê Đặc Sản cũng tốn kém hơn về cách thưởng thức. Bạn có thể đến cửa hàng để mua uống trực tiếp. Hoặc nếu “chịu chơi” hơn thì đầu tư cho mình bộ dụng cụ pha “xa xỉ” tại nhà.

Đơn giản hơn với Cà phê Thương Mại, bạn khá dễ dàng mua được tại các siêu thị, cửa hàng tạp hóa với đủ nhãn hiệu cũng như giá cả khác nhau. Chúng thường bán ở dạng bột xay, bột hòa tan… nhằm phục vụ nhu cầu tiện lợi cho khách hàng. Rõ ràng đối tượng của thị phần này thường quan tâm nhiều hơn đến sự tiện lợi, giá cả. Đặc biệt một số loại còn ướp thêm hương liệu để tăng thêm tính cạnh tranh về mặt thị hiếu.

6. Sự khác nhau về Giá cả

Tính chất chọn lọc và yêu cầu từ các khâu của Cà phê Đặc Sản đòi hỏi cao hơn. Vì vậy, chi phí nhân công cũng như chi phí bảo quản, vận chuyển khiến cho vật giá trung bình của Cà phê Đặc Sản lớn hơn nhiều so với Cà phê Thương Mại.

Theo số liệu thống kê mới nhất, một ký hạt cà phê Thượng Hạng đã rang có thể dao động từ 35$ đến 65$ (tương đương 800,000vnd – 1,500,000vnd). Ngoài ra do sản lượng hạn chế cùng với nhu cầu cao, nên mức giá của Cà Phê Đặc Sản qua các buổi đấu giá được nâng lên một “tầm” mới. Tiêu biểu có thể nói đến Geisha Panama, với mức giá có thể tới 1000 $/1kg hạt xanh.

Ngược lại, không có một mức giá quy chuẩn nào cho Cà Phê Thương Mại. Bởi tính chất chú trọng cạnh tranh giá cả của phân khúc này. Tùy theo nhu cầu sử dụng mà người tiêu dùng có thể mua với nhiều mức giá khác nhau. Thường thấp nhất là từ 5$ cho một ký cà phê phối trộn đã rang (Blend).

7. Đối tượng thị trường của Cà Phê Đặc Sản và Cà Phê Thương Mại

Cà Phê Thượng Hạng là sản phẩm chủ yếu được phục vụ ở các cửa hàng Cà phê Đặc Sản (Specialty Coffee Shop ). Với tính “bản sắc” của loại sản phẩm này, nên khách hàng không chỉ tìm đến hạt cà phê chất lượng cao mà còn là vì phong cách phục vụ của cửa hàng. Họ mong muốn có một trải nghiệm toàn diện và hoàn hảo cho việc thưởng thức.

Thị trường này chủ yếu bao gồm những “mọt” cà phê hoặc tín đồ cà phê có niềm đam mê khám phá, tìm hiểu, học hỏi, đi tìm niềm cảm hứng. Và bởi vì là cà phê đặc biệt, nên cách uống cũng rất đặc trưng. Bạn có thể mua dòng sản phẩm này thông qua các trang trực tuyến, nhà rang địa phương hoặc tại cửa hàng cà phê Đặc Sản. Thông thường để bảo toàn hương vị tốt nhất, bạn nên mua nguyên hạt và sử dụng trong vòng từ 3 – 6 tháng sau khi rang. Tuy nhiên, hoàn hảo nhất về hương vị là thưởng thức trong vòng 1 tháng sau khi rang.

Cà Phê Thương Mại được sử dụng phổ biến với diện rộng ở rất nhiều phân khúc khác nhau. Từ mô hình kinh doanh thức ăn nước uống, từ cửa hàng, thương hiệu lớn, trong ẩm thực – nấu ăn… đến cá nhân do tính lợi nhuận cao và thông dụng, ổn định của nó.

8. Giá trị của hai loại cà phê đối với ngành cà phê

Về ưu điểm, Cà Phê Thương Mại thường lan truyền nhanh rộng về văn hóa cà phê đến cộng đồng. Tiêu biểu là nhờ các thương hiệu, nhà máy, công ty thương mại cà phê lớn …  Đặc biệt, khối lượng tiêu thụ mặt hàng vẫn giữ nguyên phong độ tăng trưởng từ trước đến nay. Mặc dù ở phân khúc này, cà phê vẫn chỉ được xem như một sản phẩm giải khát thông dụng. Nhưng nhờ mức lợi nhuận cao ngất ngưởng trên toàn thế giới; cụ thể, trung bình hằng năm ngành công nghiệp cà phê thu về lợi nhuận hơn 33 tỷ đô la. Và thực tế là nguồn tài chính của rất nhiều quốc gia nguyên liệu.

Cà phê đặc sản giữ nhiệt huyết cho người làm nghề
Làn sóng thứ ba là sự kết nối những con người chung lý tưởng đưa cà phê vượt khỏi ranh giới “mưu sinh”.
Nếu Cà Phê Thương Mại đóng vai trò “giữ ấm no”, thì Cà Phê Đặc Sản (Thượng Hạng) lại “giữ nhiệt huyết” cho chúng ta. Cà Phê Đặc Sản là một cột mốc để tất cả những người cùng tham gia vào khâu cung ứng cùng nhau phấn đấu hướng tới một tiêu chuẩn cao về chất lượng. Chung lý tưởng mang lại nền thịnh vượng cho văn hóa thưởng thức cà phê vượt ra khỏi ranh giới mưu sinh. Để hướng đem lại những giá trị cao đẹp nhất cho đời sống tinh thần. Giá trị đó dành cho tất cả, từ cả người sản xuất, người bán và đến cả người thụ hưởng.

Kết

Sự phát triển của ngành cà phê, ở bất kể phân khúc nào, cũng là sự cộng hưởng, kết hợp và tạo điều kiện cho các ngành khác cùng phát triển song song. Là người làm cà phê, chúng ta đang đứng ở kỷ nguyên phát triển ngoạn mục của ngành cà phê. Thời kỳ mà khi tất các yếu tố khoa học, văn hóa, nghệ thuật đứng cùng nhau hướng đến cà phê chất lượng cao.

VIỆT NAM BARISTA SCHOOL

Website: https://baristaschool.vn/

Facebook: https://www.facebook.com/VietNamBaristaSchool

Hotline: 1900 636246

Địa chỉ: 38/13 Nguyễn Văn Trỗi, P.15, Q.Phú Nhuận, TP.HCM

Bài viết liên quan