Pha cà phê thủ công kiểu Pháp bằng dụng cụ French Press phổ biến ở châu Âu, ở Mỹ và giờ đây cũng thông dụng ở châu Á. Có ý kiến cho rằng, French Press là cách tốt nhất để thưởng thức trọn vẹn hương vị cà phê. Hãy cùng Barista School tìm hiểu thêm về phương pháp pha kiểu Pháp và dụng cụ French Press này nhé!
Lịch sử ra đời của French Press – Bình ép kiểu Pháp
Có thể nói, French Press là một trong những dụng cụ pha có bộ lọc (filter) lâu đời nhất. Một vài nguồn thông tin cho rằng, hai người Pháp, Frenchmen Mayer và Delforge đăng ký sáng chế vào tháng 3 năm 1852. Tất nhiên, thiết kế nguyên bản thời kỳ này không như bình French Press hiện đại bây giờ. Thế nhưng có thể thấy đó là khởi nguyên của dụng dụ kinh điển này.
Vào năm 1923, Ugo Paolini, một người Ý đã nộp các tài liệu sở hữu sáng chế liên quan đến máy tách nước ép cà chua. Ông đã phát triển ý tưởng này thành bình pha cà phê với thao tác ép nhấn vào bộ lọc. Ông đã giao bằng sáng chế năm 1928 của mình cho nhà thiết kế Attlilio Calimani. Đến năm 1929, Giulio Moneta đã nộp bằng sáng chế của thiết kế bình French Press khá hoàn chỉnh. Đây cũng là cột mốc thường được ghi nhận cho sự ra đời của bình French Press.
Mặc dù French Press đã được tinh chỉnh khá nhiều trong những năm qua. Thế nhưng nhìn chung không có nhiều thay đổi về nguyên lý, không yêu cầu kỹ năng đặc biệt; rót nước, chờ, ép và thưởng thức.
Bình ép kiểu Pháp này đã trải qua một số lần điều chỉnh thiết kế. Faliero Bondanini được cấp bằng sáng chế cho phiên bản năm 1958. Thiết kế này được đưa vào sản xuất công nghiệp tại nhà máy của Pháp có tên là Martin SA với thương hiệu Melior.
Sự nổi tiếng dẫn đến phổ biến của nó có thể được ghi nhận ở cột mốc năm 1965. Khi nó được xuất hiện trong bộ phim The Ipcress File của Michael Caine. Từ đây, nó chiếm lĩnh châu Âu bởi công ty đồ gia dụng Household Artcles Ltd. (Anh) và công ty chuyên về đồ dùng nhà bếp Bodum (Đan Mạch).
Thiết kế dụng cụ French Press
Bình ép kiểu Pháp hay còn gọi là bình pha piston là một hình trụ hẹp. Nó thường được làm bằng thuỷ tinh hoặc nhựa cứng trong suốt. Khối hình trụ được đậy bằng một cái nắp bằng kim loại hoặc nhựa và piston; được gắn với bộ lọc bằng thép không gỉ hoặc lưới nylon mịn.
So với các bộ dụng cụ khác, bình pha kiểu Pháp này rất thuận tiện nếu bạn muốn di chuyển hay mang đi du lịch. Phiên bản phục vụ cho nhu cầu du lịch sẽ được làm bằng nhựa cứng thay cho thuỷ tinh để không lo vỡ. Cũng có một vài phiên bản nhỏ gọn, nhẹ, đơn giản và thuận tiện hơn cho các đối tượng đi phượt đường dài.
Dụng cụ này rất được các nhà thiết kế lấy cảm hứng để sáng tạo ra nhiều phiên bản, kiểu dáng, kích cỡ khác nhau. Nhiều tín đồ cà phê qua đó cũng không thể kìm lòng để sắm cho mình đôi ba bình French Press bổ sung bộ sưu tập.
Nếu bạn là người luôn thích uống cà phê nóng nhưng khá bực mình vì cà phê bị nguội quá nhanh khi chưa uống hết. Bình pha phiên bản thép không gỉ, được thiết kế cách nhiệt giúp giữ cà phê nóng lâu hơn. Có thể hiểu nguyên lý của nó như một bình cách nhiệt vậy.
French Press áp dụng phương pháp ủ nén
Nếu xét về độ mạnh mẽ, thì cà phê được pha chế theo phương pháp press sẽ nằm giữa drip và espresso. Khi phái nữ và những người thích sự nhẹ nhàng, bình thản chọn drip thì đa số những nam giới cá tính sẽ rất thích cách pha này.
Nguyên tắc pha chế cho phương pháp này là cà phê được ngâm ủ trong nước nóng trong một khoảng thời gian nhất định. Sau đó cà phê sẽ được chiết xuất bằng lực nén qua một màng lọc. Bạn có thể hình dung cơ chế hoạt động của nó như một chiếc piston vậy.
Đây được mệnh danh là phương pháp dành cho người mê cà phê nhưng không có nhiều thời gian. Chỉ mất chừng 4 – 5 phút để pha chế để có một tách cà phê béo và đằm thắm.
Pha chế cà phê bằng bình French Press
Chuẩn bị nguyên liệu và dụng cụ
- 30 gram hạt cà phê Arabica hảo hạng hoặc phối trộn theo sở thích.
- Máy xay cà phê.
- Bộ dụng cụ pha chế: French Press, AeroPress.
+ Bình thuỷ tinh đựng cà phê thành phẩm
+ Ấm rót nước chuyên dụng
Lưu ý: Bình ép kiểu Pháp này hoạt động tốt nhất với cà phê xay thô (coarse). Nếu dùng cà phê mịn, khi ngâm trong nước, độ thẩm thấu thấp. Điều đó đòi hỏi tay phải tác động một lực rất lớn để hạ piston. Có nhiều khả năng bột sẽ bị thấm hoặc tràn qua chu vi của bộ lọc, rơi vào cà phê. Hơn nữa, bột mịn sẽ dễ bị chiết xuất quá mức khiến cà phê có vị đắng.
Các bước pha chế
- Đun nước khoảng 92 – 96 độ.
- Tráng bình dụng cụ bằng nước nóng.
- 40 gram cà phê (tỷ lệ 1 cà phê 15ml nước hoặc theo tỷ lệ phù hợp với sở thích).
- Xay cà phê ở mức thô (coarse) cho French Press và mịn (fine) cho AeroPress.
- Đổ bột cà phê vào bình, từ từ rót khoảng 100ml nước để cà phê nở trong 30 giây. Sau đó rót hết phần nước còn lại và để cho cà phê ngâm trong khoảng 1 phút.
- Nén nhẹ pittong xuống sao cho bộ lọc chìm dưới nước khoảng 1cm.
- Sau 4 phút thì tiếp tục nén chậm piston xuống cho đến khi bột cà phê bị nén chặt xuống đáy bình.
- Rót cà phê và thưởng thức.
Hương vị cà phê
Bạn vốn đã thích hương chocolate và hương khói rồi nhưng pha drip khiến bạn vẫn chưa thoả mãn thì Press là dành cho bạn. Với Press, những nốt hương này sẽ được làm nổi bật lên cực kỳ rõ nét.
Cách pha chế khác
Ngoài cách pha nóng thông thường ra thì bình French Press còn có thể ủ lạnh. Với cách pha ủ lạnh thì cần vài giờ đồng hồ để tiếp xúc gữa nước và cà phê đạt được chiết xuất mong muốn. Ủ lạnh cũng là một cách pha chế đáng thử với bộ dụng cụ này vì hương vị rất khác so với pha nóng.
French press chỉ pha nóng? Hãy thử một lần pha ủ lạnh với dụng cụ này nhé!
Một điều thú vị khác là ngoài cà phê ra thì bình pha này có thể sử dụng để pha trà nếu hôm nào đó bạn muốn đổi khẩu vị. Nên sử dụng riêng biệt mỗi bình cho trà và cà phê để tránh gây nhiễu hương vị. Nhưng muốn tận dụng chung một bình thì phải vệ sinh thật kỹ. Không thì chúng sẽ làm hỏng hương vị của trà hoặc cà phê đó nhé.
Ưu và nhược điểm
Bình pha French Press giờ đây được bán khắp mọi nơi nên không khó khăn để sở hữu cho mình một chiếc. Đồ xịn và chất lượng cao, giá giao động từ 500K đến trên dưới 2 triệu đồng. Hãng Bodum là một gợi ý về thương hiệu. Bình dân hơn thì giá chỉ tầm 120K – 500K tuỳ theo kích thước. Tất nhiên, tiền nào thì của nấy. Hương vị trọn vẹn nhất vẫn được đảm bảo với dụng cụ chất lượng cùng kỹ thuật pha chuẩn.
Ưu điểm
Ưu điểm đầu tiên của cách pha này là cà phê thoải mái bung nở, thoải mái thả vị, sảng khoái dậy hương. Cà phê gần như được thăng hoa trọn vẹn hương vị chỉ trong 4 – 5 phút. Kể cả những loại cà phê “khó chiều lòng” nhất!
Ưu điểm thứ hai đó là về thiết kế dễ sử dụng tại gia hoặc mang đi du lịch. Hơn nữa, rất phù hợp với những ai thích uống cà phê ngon, lại không muốn tốn quá nhiều thời gian và công sức. Chẳng cần phải đun bếp và canh mất thời gian như Syphon hay ấm Moka. Không cần chuẩn bị giấy lọc với nhiều công đoạn thao tác như Pour Over với V60 hay bình Chemex. Không quá cầu kỳ kỹ thuật và tốn kém khi pha máy espresso.
Có thể nói rằng, French Press là cách pha ít tốn kém chi phí nhất so với các phương pháp pha thủ công khác. Vì vậy, nó rất được ưa chuộng, mỗi nhà gần như đều có một chiếc trong giang bếp của mình.
Nhược điểm
Đầu tiên, đó là chỉ sử dụng được cà phê xay thô. Vì bộ lọc làm bằng lưới thép nên nếu bột cà phê mịn quá thì dễ chui qua lưới hoặc làm tắt nghẽn lưới khiến việc chiết xuất bị ảnh hưởng. Vậy nên cần chú ý khi chọn cỡ xay của bột cà phê.
Thứ hai, đó là rất khó để kiểm soát và điểu khiển được nhiệt độ nước như Pour Over. Với French Press thì bạn chỉ chế nước sôi một lần duy nhất. Sau đó thì chỉ có cách “ngồi chờ” cho nước trích xuất tinh hoa của cà phê. Nhưng thực tế là nước sẽ nguột dần sau 3 hay 4 phút, nhiệt độ lúc đó sẽ không đủ để lấy hết những hương vị thăng hoa nhất. Và đến lúc rót ra tách để thưởng thức thì nhiệt độ cà phê lúc đó chỉ tầm khoảng 50 – 70 độ C. Hơi đáng tiếc một xíu so với espresso, syphon hay moka pot. Đây là điểm bực bội nhất đối với những người thích thưởng thức cà phê nóng.
Xem thêm: Drip coffee – phương pháp pha cà phê mọi Barista cần biết
VIỆT NAM BARISTA SCHOOL
Website: https://baristaschool.vn
Facebook: https://www.facebook.com/VietNamBaristaSchool
Hotline: 1900 636 246
Địa chỉ: 38/13 Nguyễn Văn Trỗi, P.15, Q.Phú Nhuận, TP.HCM