Barista là công việc hấp dẫn nhất trong ngành cà phê, và nhiều người lãng mạn hóa công việc này và ôm ước mơ trở thành barista như trong suy nghĩ của họ. Thật ra lãng mạn đúng là một từ có thể dùng để miêu tả một phần của nghề barista và cũng là phần tuyệt vời nhất: pha cà phê thủ công, chiết xuất espresso, tạo hình trên nền cà phê. Tuy nhiên bất cứ nghề nghiệp nào cũng có mặt trái, đôi khi chúng ta mải mê với những hình ảnh đẹp đẽ mà không để ý đến các phương diện khác, có thể tạm gọi là thực tế.
Trong bài viết hôm nay, Barista School sẽ cùng bạn vén lên một nửa bức màn của nghề barista và nói với bạn nghề barista trong thực tế là như thế nào. Sẽ có những hình ảnh lãng mạn tuyệt đẹp mà chúng ta thường nghĩ đến, cũng sẽ không quên nói về những điều không được thú vị cho lắm, để bạn có được cái hình toàn diện hơn về công việc đầy thú vị nhưng cũng không thiếu những yêu cầu gắt gao này. Tất nhiên không thể nào thiếu đi những lời khuyên hữu ích dành cho bạn. Bỏ qua những thông tin hay những lời khuyên liên quan trực tiếp đến cà phê, đó đều là kiến thức tối quan trọng mà bất cứ barista nào cũng cần phải nằm lòng.
Những kỹ năng chung của barista
1. Phục vụ khách hàng
Barista đôi khi chính là “giao diện” của quán cà phê, sau khi đẩy tấm cửa kính, người đầu tiên lọt vào mắt khách hàng đồng thời cho họ những trải nghiệm đầu tiên chính là người đang đeo tạp dề đứng trong quầy bar. Đối với những quán cà phê nhỏ thông thường sẽ không có nhân viên đón và điều phối khách hàng, lúc này barista chính là người đảm nhận cả phần công việc này. Cần phải phát triển kỹ năng giao tiếp thật tốt để chắc chắn rằng khách hàng sẽ cảm nhận được sự nhiệt tình và được trân trọng khi dừng chân ở quán cà phê của bạn.
Sẽ là rất khó khi phải tươi cười và niềm nở trong suốt quá trình làm việc, đặc biệt là vào những ngày tâm trạng của bạn không ổn hoặc quần quật bận rộn. Barista cũng là một nghề trong ngành dịch vụ, thế cho nên dù khó, chúng ta vẫn nên luôn dành cho khách hàng vẻ mặt thân thiện nhất với nụ cười niềm nở, đó là một điều cực kỳ quan trọng. Có nhiều người tính cách bẩm sinh không dễ hòa đồng với mọi người hoặc có gương mặt trông có vẻ không thân thiện lắm, rất khó để phát triển các kỹ năng mềm. Điều này không sai, nhưng cũng không đúng hoàn toàn. Mọi người đều có năng lực luyện tập và cải thiện kỹ năng mềm nếu đủ kiên trì. Nếu dấn thân vào nghề barista, đây là điều cơ bản bạn phải trang bị cho mình.
2. Tập trung và chú ý đến chi tiết
Nghe qua có vẻ không thật sự cần thiết, nhưng đây là một điều barista nên lưu ý. Sự tinh tế này sẽ hữu ích nhiều trong công việc của bạn. Khách hàng thường muốn nhận được thứ họ đã gọi, ví dụ như một ly americano lạnh. Và thường họ có xu hướng không vui nếu nhận lại một thứ khác, ví dụ như một ly americano nóng. Vào một ngày đông đúc, bạn vô cùng bận rộn khi phải chuẩn bị nhiều thức uống cùng lúc, có thể sẽ rất khó để ghi nhớ hết ai đã gọi thức uống gì. Đây chính là lúc bạn vận dụng hết khả năng để tập trung chú ý kỹ càng đến đơn hàng của khách, phải sắp xếp đúng đơn hàng và chuẩn bị đúng thức uống, đảm bảo không có sai sót.
3. Khả năng bảo trì, sửa chữa máy móc dụng cụ cơ bản
Vào giờ nghỉ trưa, quán đang có lượng gọi món vô cùng nhiều, cả bạn cả máy móc dụng cụ đều phải hoạt động hết công suất. Lúc này bỗng chiếc máy xay cà phê xảy ra trục trặc, bạn cần ngay lập tức suy nghĩ và sửa chữa nếu máy chỉ gặp phải vấn đề nhỏ. Chúng ta không thể lúc nào cũng dựa vào nhân viên kỹ thuật, tự lực cánh sinh trong một số thời điểm là cần thiết, cũng là trách nhiệm của barista.
4. Giới thiệu và bán cho khách hàng sản phẩm mới
Không chỉ “cosplay” nhân viên kỹ thuật, đôi khi các barista cũng cần phải hóa thân làm một nhân viên bán hàng. Đây là một kỹ năng khó, nhưng bạn cần trang bị và làm tốt nó nếu muốn trở thành một barista thành công. Sẽ rất tệ nếu trong ca làm việc của bạn là lúc quán có doanh thu thấp nhất, hoặc buồn làm sao nếu bạn sáng tạo được một thức uống mới vô cùng đáng thử nhưng lại không biết cách bán nó cho khách hàng.
Bán hàng không phải là công việc dễ, bán làm sao cho hiệu quả và khiến khách hàng không cảm thấy bị ngợp với những lời quảng cáo càng khó. Nếu muốn giới thiệu thức uống mới hoặc bán thêm thức uống, hãy tinh tế và có mục tiêu. Lời khuyên là hãy chọn những khách hàng quen, bởi họ là những người thường xuyên đến quán, tin chắc rằng bạn biết họ thích gì cũng như một mối quan hệ đủ để trò chuyện và gợi ý thức uống tương tự với sở thích của họ. Để làm tốt việc này, không chỉ cần có kinh nghiệm mà còn cần bạn phải chú ý chi tiết.