Buôn chuyện với khách hàng, thường xuyên check điện thoại hay mang cảm xúc cá nhân vào công việc, những thói quen này có thể gây rắc rối khi bạn là một Barista.
Trò chuyện quá nhiều với khách hàng
Nghề Barista cho bạn cơ hội gặp gỡ, trò chuyện với khách hàng ở nhiều lứa tuổi, ngành nghề khác nhau. Giao lưu, trò chuyện với khách hàng là cách để Barista làm quen và tạo ấn tượng thân thiện với khách. Tuy nhiên, bạn cũng không thể nói chuyện huyên thuyên trong suốt quá trình làm việc. Bởi vì nghề pha chế cần sự tập trung và tính kỷ luật.
Bản thân Barista cần biết rằng, việc trò chuyện khi đang làm việc phải có giới hạn. Trong một vài trường hợp, bạn có thể trò chuyện nhiều hơn, chẳng hạn như khách hàng chủ động khơi chuyện, khi quán không đông khách hoặc một khách quen muốn chia sẻ nhiều hơn… Nhưng cũng có những khách hàng sẽ cảm thấy không thoải mái khi Barista bắt chuyện.
Vì vậy, Barista cần có sự tinh tế để biết mong muốn của khách hàng. Nhưng thông thường, chỉ cần nụ cười và ánh mắt chân thành cũng đủ để Barista gây ấn tượng với khách hàng. Hơn nữa, nghiêm túc và kiệm lời sẽ giúp Barista trông chuyên nghiệp hơn.
Thường xuyên check điện thoại
Bạn là người trẻ và bạn không muốn bỏ lỡ bất cứ sự kiện gì mới. Đó là một mong muốn chính đáng của con người thế kỷ 21. Chính vì vậy, bạn luôn muốn check khi điện thoại kêu lên. Bạn thấy mình bình thường, vì xung quanh bạn ai cũng vậy cả. Nhưng thật ra bạn đang bị Hội chứng sợ bỏ lỡ (FOMO).
Mạng xã hội làm tăng hội chứng FOMO. Kể từ khi bạn có chiếc điện thoại thông minh, bạn hầu như không thể tập trung quá lâu cho việc gì, ngoại tập trung trên màn hình điện thoại. Bạn check điện thoại thường xuyên, xem tín nhắn, lướt facebook, trả lời email… Nhưng khi bạn đứng sau quầy bar, điều này khiến bạn sớm muộn gì cũng gặp rắc rối. Bởi vì Barista cần sự chú tâm. Vì Barista là người mang lại năng lượng tích cực cho khách hàng thông qua ly cà phê. Nếu không duy trì trạng thái an tĩnh và tập trung, thì họ chỉ làm việc như một cái máy và phục vụ một sản phẩm công nghiệp không hơn không kém.
Mặt khác, chiếc điện thoại gây xao lãng nghiệm trọng, khiến bạn không còn tập trung vào các thao tác pha chế, hay phản ứng của khách hàng. Vê phái khách hàng, họ sẽ sẽ cảm thấy phiền lòng khi order của mình không được phục vụ một cách nhanh chóng và chu đáo như mong đợi.
Mang cảm xúc cá nhân vào công việc
Con người khác với máy móc ở chỗ, chúng ta có cảm xúc. Thế nhưng cảm xúc phải được quản lý bằng trí tuệ, thì mới đưa ra các quyết định sáng suốt, thúc đẩy bản thân phát triển và cải thiện mối quan hệ với mọi người. Đó là những người có trí thông minh cảm xúc, và Barista cần có trí thông minh này.
Cũng như những ngành dịch vụ khác, Barista được xem là bộ mặt của cả doanh nghiệp. Hành vi, cách cư xử của Barista thể hiện văn hóa của doanh nghiệp. Vì vậy, bạn không thể mang cảm xúc tiêu cực vào công việc, điều này sẽ khiến bạn dễ mắc sai lầm.
Cuộc sống ai cũng có những niềm vui, nỗi buồn, hờn giận, thất vọng từ gia đình, bạn bè, người yêu… Nhưng khi đã vào công việc, Barista phải biết cách kiềm chế cảm xúc, không để cảm xúc của bạn vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Bạn phải thấu hiểu và nắm bắt được cảm xúc của bản thân, từ đó mới điều khiển được cảm xúc theo lý trí, suy xét kỹ lưỡng các hành vi, cách cư xử của mình nơi quầy bar. Quản lý cảm xúc cá nhân tốt còn giúp bạn cư xử đúng mực hơn đồng thời duy trì được các mối quan hệ tốt đẹp.