Trên tay 1 bao cà phê đặc sản

Submitted by hiroshi.digital On Friday, 09/16/22 - 8:21pm

Trước đây, bao bì cà phê chỉ có chức năng chứa đựng để tiện cho việc lưu trữ, vận chuyển và bảo quản cà phê. Thế nhưng, với sự phát triển ngày càng nhanh của thị trường cà phê, đặc biệt là cà phê đặc sản, chức năng của những chiếc túi này đã được mở rộng hơn rất nhiều. Không chỉ đơn thuần là lưu trữ, bao bì còn là phương tiện truyền thông hiệu quả giúp nhà sản xuất truyền tải các thông tin hữu ích và đặc sắc của sản phẩm đến với người tiêu dùng. Nếu là lần đầu cầm trên tay một túi cà phê đặc sản (Specialty Coffee), chắc hẳn bạn sẽ khá bối rối với những thông tin được mô tả trên đó. Cùng Barista School tìm hiểu ý nghĩa của nhãn dán trên túi cà phê qua bài viết dưới đây nhé!

Trên tay 1 bao cà phê đặc sản 1

Name – Tên sản phẩm

Tên sản phẩm cà phê thường sẽ được đặt theo tên vùng trồng, nông trại, phương pháp sơ chế và mùi hương đặc trưng của loại cà đó. Một số nhà rang có thể đặt tên sản phẩm theo cách riêng dựa trên cảm xúc mà mùi hương của loại cà phê đó mang lại hoặc một dịp đặc biệt trong năm (Giáng sinh,…)

VD: Ethiopia Birhanu Dido Awacho (COE (*) 2021#19), Colombia Rose Valley Double Anaerobic, Last Christmas,…

Region / Zone / Origin / Country – Vùng trồng

Thể hiện thông tin nơi cà đặc sản được sản xuất (tùy theo sản phẩm là nguyên bản hay phối trộn), một số bao bì ghi chú thông tin trang trại cụ thể để hỗ trợ khách hàng truy xuất nguồn gốc một cách rõ ràng nhất.

Variety / Varietal – Giống cây cà phê / Chủng loại

Khi nói về giống / chủng loại, thế giới cà phê sẽ phong phú hơn rất nhiều, bên cạnh 2 tên gọi phổ biến là Arabica và Robusta. Một túi cà phê đặc sản sẽ thể hiện cụ thể chủng loại như: Typica, Catimor, Bourbon, Heirloom,… giúp làm rõ các đặc điểm giống loài và hương vị đặc trưng, từ đó mang đến ấn tượng tổng quan ban đầu về sản phẩm đó.

Altitude / Elevation – Độ cao canh tác

Đây là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hương vị. Cà phê được trồng càng cao so với mực nước biển sở hữu chất lượng cao hơn, hương vị phong phú hơn so với cà phê ở vùng trồng thấp. Đơn vị đo là masl (meters above sea level – độ cao so với mực nước biển).

Processing – Phương pháp sơ chế

Có 4 phương pháp sơ chế cà phê nhân phổ biến: natural (khô), washed (ướt), honey (mật ong), anaerobic (lên men yếm khí), mỗi phương pháp sẽ giúp tạo ra những nét đặc trưng khác nhau của cà. Đây cũng là một trong yếu tố chi phối mạnh hương vị cà phê thành phẩm.

Single Origin – Đơn nguồn gốc hay Blend – Phối trộn

Single Origin – cà phê “đơn nguồn gốc” hoặc cà phê “bản địa” là một sản phẩm cà phê nguyên bản mang hương vị đặc trưng của vùng trồng (nông trại hoặc địa danh, vùng, khu vực, quốc gia).

Blend – cà phê “phối trộn” được pha trộn từ các loại cà khác nhau (có thể được rang với cấp độ giống hoặc khác nhau) nhằm tạo ra sắc thái hoàn toàn mới đồng thời che đi những khuyết điểm có trong từng loại.

Score – Điểm Cupping

Thang điểm Cupping chủ yếu dùng để đánh giá chất lượng của cà phê thông qua việc đưa ra góc nhìn khách quan về loại cà phê đó. Điểm số Cupping càng cao biểu hiện chất lượng của hạt cà phê càng tốt và hương vị phong phú.

Trên tay 1 bao cà phê đặc sản 2

Date – Ngày rang

Ngày rang thể hiện độ tươi mới của cà. Khách hàng thường được khuyến khích sử dụng trong vòng 30 ngày kể từ ngày rang để “bắt” trọn tinh hoa của loại cà phê đó.

Roast / Roast Profile / Roast Level – Cấp độ rang

Cà đặc sản sẽ thường được rang ở mức Light (rang nhạt) đến Medium (rang vừa) để giữ được những sự phong phú trong hương vị của cà phê.

Taste note – Hương vị

Nội dung mang mục đích mô tả hương vị đặc trưng của loại hạt mà bạn đang sử dụng. Thường là những mùi hương dễ được nhận biết nhất dựa trên cảm nhận của số đông (nhiều người), mô tả nhỏ này sẽ là gợi ý để bạn có thể thử tham khảo và khám phá theo cách của bạn. 

VD: Hibiscus, Lime, Mandarin Orange, Jasmine, Rose, Peach, Nutty, Caramel, Chocolate, Blueberry, Strawberry,…

Recommend / Suitable for – Phù hợp với

Thông tin này giúp bạn chọn được phương pháp pha phù hợp để thưởng thức được trọn vẹn hương vị của loại cà đặc sản mà bạn đã chọn.

VD: Pha máy, pha thủ công (V60, Chemex,…)

Trên tay 1 bao cà phê đặc sản 3

Barista School hy vọng các thông tin hữu ích này sẽ góp phần giúp bạn có thể dễ dàng lựa chọn túi cà phê đặc sản phù hợp với bản thân. Và nếu muốn tìm hiểu thêm về cà phê đặc sản các bạn hãy tham gia lớp Specialty Coffee. Chúng ta sẽ cùng thưởng thức “cà” ngon khi trải nghiệm những bài học thú vị.

Vẫn còn nhiều điều mới mẻ về thế giới cà phê mà trường muốn chia sẻ, mời bạn theo dõi Barista School để cập nhật ngay bạn nhé!

VIỆT NAM BARISTA SCHOOL

Website: https://baristaschool.vn

Facebook: https://www.facebook.com/VietNamBaristaSchool

Hotline: 1900 636 246

Địa chỉ: 38/13 Nguyễn Văn Trỗi, P.15, Q. Phú Nhuận, TP.HCM

Bài viết liên quan