Nhiều bạn trẻ khởi nghiệp thành công với nghề barista

Submitted by hiroshi.digital On Monday, 02/28/22 - 3:57pm

Từ một người yêu cà phê, Julie Đặng đã trở thành người trao tình yêu cà phê đến đông đảo học viên với vai trò là giảng viên tại Barista School cũng như tại Viện Nghiên cứu Phát triển Cà phê Hàn Quốc. Ngoài ra, cô còn là Chủ tịch Hiệp hội Quốc tế các trường đào tạo về cà phê, thành viên chuyên nghiệp Hiệp hội Cà phê Đặc sản Thế giới, giám khảo các cuộc thi về cà phê trong nước và quốc tế.

Chọn nghiệp đi dạy vì muốn truyền tình yêu cà phê

Từ 10 năm trước, khi nghề barista (nói một cách bình dân là nghề pha chế cà phê) chưa được thị trường biết đến một cách đầy đủ, thì Julie Đặng đã quyết định đồng sáng lập Barista School – là nơi đào tạo nghề này theo tiêu chuẩn và bằng cấp quốc tế. Hầu hết mọi  người đều nghĩ rằng nghề barista đơn giản là học các thông số kỹ thuật trên máy là làm được. Nhưng với Julie, nghề này phải làm bằng đam mê và tình yêu.

“Với tôi thì barista không đơn giản là người pha chế, mà họ sẽ kể được câu chuyện về cà phê, về hành trình chăm chút, nâng niu từ hạt cà phê đến sản phẩm cuối như thế nào. Người uống có thể dễ tính, nhưng người làm nghề barista thì phải luôn chính trực và kỷ luật. Vì họ là người nâng tầm người uống, chứ không chỉ chiều theo thị hiếu của người dùng”, Julie nói.

Khi mới tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh, Julie Đặng đã có kinh nghiệm, nhiều năm về máy pha cà phê. Tuy nhiên, cô lại chọn trở thành giảng viên chứ không theo nghiệp kinh doanh, đơn giản vì cô nhận thấy việc giảng dạy, chia sẻ kiến thức sẽ giúp cho nhiều bạn trẻ có thêm nhiều chọn lựa nghề nghiệp. “Công việc giảng dạy vừa đem lại sự thích thú vừa thử thách. Thích thú vì mình càng chia sẻ nhiều thì mình lại càng thấy mình hiểu sâu hơn về ngành nghề cà phê. Nhưng nó cũng khá thử thách vì học viên rất đa dạng về trình độ lẫn tuổi tác, có cả những người làm cà phê lâu năm, nên để họ lắng nghe và công nhận không phải là chuyện dễ dàng”.

“Đến nay, nghề barista đã được giảng dạy ở nhiều nơi và nhiều bạn trẻ đã khởi nghiệp thành công với nghề này. Đó là hạnh phúc nhất của tôi”, Julie Đặng nói. Tuy nhiên, chương trình đào tạo tại Barista School được đánh giá là phong phú và chuyên sâu, đa dạng bộ môn từ ứng dụng, kinh doanh đến thẩm định, nghiên cứu.

Chương trình đào tạo được xây dựng và tùy chỉnh theo những bước phát triển của thị trường nội địa, tập trung vào khả năng thực chiến và tạo tính chủ động phản biện cho học viên. Chương trình đào tạo quốc tế đảm bảo khả năng học liên thông cũng như cơ hội việc làm và giá trị bằng cấp ở nhiều quốc gia.

Mặt khác, Barista School còn có các chương trình đào tạo riêng biệt được thiết kế riêng cho tổ chức, doanh nghiệp nhằm đem đến một kết quả có thể nhận biết, đo lường được thông qua việc nhận biết chất lượng sản phẩm, phát triển nhân lực chuyên môn, tăng sức hút với khách hàng.

Theo Julie Đặng, khi khả năng thưởng thức của người dùng ngày càng nâng cao, người sành cà phê ngày càng nhiều thì nhu cầu nhân lực nghề barista ngày càng tăng nhanh bởi các thương hiệu uy tín hay các nhà hàng lớn đều rất khắt khe trong việc tuyển dụng barista và thường đòi hỏi bằng cấp quốc tế.

Chỉ trong vòng hai năm tới, mọi người đánh giá đúng về nghề barista tại Việt Nam. Các barista giỏi sẽ được trọng dụng và người làm cà phê cũng tự tin về nghề để khẳng định được vị thế của mình trên thị trường cũng như các cuộc thi mang tầm quốc tế.

Cảm quan giống như tâm hồn của người yêu cà phê

Sau nhiều năm giảng dạy, Julie Đặng ra mắt cuốn sách Sensory – Chạm cà phê từ mọi giác quan. Đây là cuốn sách đầu tiên trong bộ sách Cà Insider khai thác về “cảm quan mùi vị” – một  chủ đề về nghề từ cảm quan thưởng thức đến sản xuất, gắn liền với trải nghiệm của tác giả, phát huy văn hóa cà phê Việt, cũng như thúc đẩy sự phát triển của ngành.

Vì sao cảm quan lại cần cho người làm về cà phê? Nhiều người đã hỏi Julie như vậy. Cô cho biết: “Vì cảm quan là nền tảng cảm nhận để nhận biết về cái hay, cái đẹp của cà phê. Phát triển cảm quan cũng quan trọng không kém phát triển tri thức. Cùng với phát triển tri thức, cảm quan sẽ tạo tiền đề cho cái đẹp xuất hiện thường xuyên (hay được nhận biết rõ hơn) trong nhiều bức tranh khác nhau của cuộc sống, để từ đó chúng ta tìm được hạnh phúc”.

“Hạnh phúc tự thân đến từ cảm nhận của các giác quan, chúng ta chỉ cần nhìn – nghe – chạm – ngửi – nếm trong từng khoảnh khắc mà sự sống mang đến. Phát triển cảm quan giúp chúng ta phát triển năng lực cảm nhận hạnh phúc lâu dài. Và cà phê là một trong những con đường đẹp nhất để thưởng lãm, đồng thời phát triển cảm quan của tất cả chúng ta. Tôi luôn nghĩ rằng cảm quan là tâm hồn của một con người. Cảm quan rộng mở khiến tâm hồn rộng mở. Nó đem đến trạng thái tinh thần lạc quan, tích cực và yêu đời. Nhờ khả năng cảm thụ mang đến cho chúng ta niềm vui và hạnh phúc”, Julie khẳng định.

Bài viết liên quan